Tình trạng chung cư mini nở rộ là do chưa có khung pháp lý rõ ràng
Vài năm gần đây, việc chung cư mini đang trở thành xu hướng mới, tuy nhiên loại hình này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khó kiểm soát.
Chung cư mini "giá mềm" nở rộ
Theo dữ liệu của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trong thập niên vừa qua, tại một số thành phố lớn đã xuất hiện tình trạng xây dựng tràn lan các căn hộ mini, chung cư mini, chung cư hộp diêm,... tại các đô thị, quận nội thành. Hầu hết các căn hộ này thường có diện tích nhỏ chỉ khoảng 30-50 m2, do đó giá bán của vừa túi nhiều người dân hơn so với phân khúc chung cư thương mại có giá từ 500 triệu - 1 tỷ đồng đang chiếm phần lớn thị trường bất động sản nhà ở.
Đặc biệt là kể từ sau khi kết thúc các đợt giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, trong khi phân khúc bất động sản như văn phòng cho thuê, bán lẻ, đất nền đều có xu hướng giảm nhẹ, thì lượt tìm kiếm các căn hộ nhỏ, diện tích vừa phải lại tăng tới 200% trên một số trang web mua bán bất động sản.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sự nở rộ mô hình chung cư mini là do thiếu hụt nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội trong khi nhu cầu mua nhà của người dân rất lớn. Bên cạnh đó, hiện còn nhiều bất cập tồn tại ở các quy định về phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân. Một số doanh nghiệp, môi giới cố tình móc nối với cá nhân, hộ gia đình để thực hiện các công trình nhà ở diện tích nhỏ trái phép, bỏ qua nhiều quy định và tìm cách "qua mắt" cơ quan quản lý.
Hầu hết các công trình căn hộ nhỏ, chung cư mini đều được xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch, không đảm bảm an toàn về phòng cháy chữa cháy, càng không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ, sổ hồng) cho người mua.
Theo Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, hiện nhiều người dân khi mua chung cư mini đều phải chịu tình trạng không được nhận sổ đỏ. Đây là do chủ đầu tư vi phạm, xây dnwjg sai giấy phép nhằm kiếm lời. Luật sư cho hay: "Chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật nhưng hiện tại người mua nhà là người gánh hậu quả, đây là vấn đề bất cập. Người mua nhà chỉ biết mua nhà theo hợp đồng mua bán công chứng với chủ đầu tư chứ không thể can thiệp vào quá trình đầu tư xây dựng dự án".
Chưa có khung pháp lý rõ ràng
Theo quan điểm của Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, tình trạng nở rộ khó kiểm soát của mô hình chung cư mini bắt nguồn từ việc chưa có khung pháp lý quy định rõ ràng. Nhiều chủ đầu tư, hộ gia đình đã lợi dụng kẽ hở theo điều 46 Luật Nhà ở 2014, cụ thể là cho phép hộ gia đình, cá nhân tại đô thị được xây dựng nhà ở từ 2 tầng trở lên. Tại mỗi tầng được xây dựng từ hai căn hộ trở lên kiểu khép kín, đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu chung - riêng của nhà chung cư. Đây là cơ sở pháp luật bị nhiều người lợi dụng dẫn tới việc xây dựng trái phép, sai phép mô hình căn hộ chung cư mini.
Theo ông Châu, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 46 Luật Nhà ở 2014 theo hướng quy định rõ mục đích xây dựng nhà riêng lẻ theo kiểu chung cư mini. Hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải thực hiện việc xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở. Nếu muốn xây dựng nhà ở riêng lẻ không nhằm mục đích kinh doanh thì phải có giấy phép xây dựng, được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Nếu xây dựng, cải tạo nhà ở để kinh doanh (bán, cho thuế,...) thì phải lập dự án đầu tư xây dựng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua.
Trước tình trạng 'nở rộ' của mô hình bất động sản này, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời giải quyết vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình nhà ở trên địa bàn.
Linh Chi