TP HCM: Nguồn cung nhà ở căn hộ giảm, nhà ở cho thuê tăng trưởng mạnh
Thị trường bất động sản tại TP HCM đang xuất hiện một số điểm chênh lệch giữa nhu cầu của các phân khúc. Trong khi giao dịch nhà ở như căn hộ, nhà phố, đất nền đều sụt giảm mạnh, thì nhu cầu thuê nhà ở và mặt bằng bán lẻ lại phục hồi tốt, thậm chí có xu hướng tăng giá.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết, trong khi thị trường bất động sản để bán (chung cư, nhà phố, đất nền) khá trầm lắng, thì các phân khúc cho thuê lại ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Cụ thể, nhu cầu tìm thuê mặt bằng, nhà ở tại TP HCM tăng đến 70%. Trong đó, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ chiếm tỷ lệ áp đảo. Ở phân khúc căn hộ cho thuê, nhu cầu thuê chung cư ở TP.HCM tăng đến 24%. Giá thuê cũng đồng loạt tăng mạnh ở mức 9-12% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Tuấn đánh giá, sự phục hồi của thị trường căn hộ, nhà phố cho thuê là minh chứng rõ nhất cho sự phục hồi kinh tế của thành phố. Nếu trong năm 2021, lợi nhuận từ kinh doanh nhà phố cho thuê chỉ ở mức 2,7%, thì trong 9 tháng của năm 2022, con số này đã tăng lên 2,9%. Tuy chưa bằng thời điểm trước dịch, nhưng đã có cải thiện và mức lợi nhuận này dự kiến còn tăng.
“Riêng với căn hộ cho thuê, mức lợi nhuận vẫn duy trì ở khoảng 4,7% đến gần 5%, mức này đã tốt hơn thời điểm năm 2021. Các khu vực có nguồn cung dồi dào như TP. Thủ Đức và quận 7, lợi nhuận cho thuê thấp hơn do đa phần là nguồn hàng cao cấp. Còn các khu vực ngoại thành như Nhà Bè, Bình Tân… lợi nhuận cao hơn, có thể lên đến 5,5 - 6% do phù hợp với nhiều nhóm đối tượng khách hàng”, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nói thêm.
Tương tự, báo cáo mới công bố của Chotot.vn về tình hình cho thuê bất động sản tại TP. HCM cũng cho thấy, nguồn cung căn hộ cho thuê có sự tăng trưởng mạnh qua từng tháng của năm 2022. Trong đó, nguồn tăng trưởng chủ yếu đến từ phân khúc trung cấp 5-15 triệu đồng/tháng và cao cấp trên 15 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, phân khúc trung cấp có nguồn cung tăng gấp hai lần so với thời điểm đầu năm, còn phân khúc cao cấp tăng gấp ba lần. Đối với phân khúc thuê bình dân dưới 5 triệu đồng/tháng hiện chỉ duy trì được số lượng nguồn cung qua các tháng. Tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 70%, thậm chí có một số dự án khai thác được hơn 80% công suất.
Bên cạnh sự hồi phục về công suất khai thác thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy khả quan, giá thuê cũng bắt đầu tăng mạnh. Chẳng hạn, tại một khu căn hộ dịch vụ thuộc phường Đa Kao (quận 1), giá thuê căn 45 m2, một phòng ngủ, một nhà vệ sinh, bao gồm dịch vụ theo tiêu chuẩn khách sạn ghi nhận mức 17 triệu đồng/tháng. Giá chào thuê trung bình khu này đã tăng 8 - 10% so với thời điểm cuối năm 2021. Ngay cả căn hộ dịch vụ tại địa bàn rìa trung tâm như Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 4, quận 7 cũng ghi nhận giá chào thuê cao hơn năm ngoái khoảng 6%.
HoREA đề xuất nhiều giải pháp tăng nguồn cung cho thị trường
Theo UBND TP HCM, hết quý III/2022, thành phố chỉ có 2 dự án bất động sản được cấp phép mới và 4 dự án có sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 200% so với quý II.
Cụ thể, 2 dự án bất động sản được cấp phép mới có quy mô 2.057 căn hộ. Còn 4 dự án bất động sản được phép huy động vốn có quy mô 2.144 căn hộ. Ngoài ra, có 5 dự án nhà ở thu nhập thấp trong khu đô thị đang triển khai với quy mô 3.367 căn hộ.
Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), nguồn cung nhà ở tại TP HCM giảm liên tục trong các năm qua. Cụ thể, năm 2017, thành phố có nguồn cung 42.991 căn nhà, đến năm 2018 chỉ bằng 65,8%; năm 2019 là 53,6%; năm 2020 là 39,2%; năm 2021 là 33,6%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung chỉ có 9.456 căn nhà, bằng 44% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện, TP HCM đang có hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai thực hiện; trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc “đất công” hoặc do cổ phần hóa trước đây; do đó, doanh nghiệp gặp vướng trong xác định tổng tiền để hoàn thành các nghĩa vụ thuế... Nguyên nhân chủ yếu là những hạn chế trong một số quy định của các văn bản luật, văn bản dưới luật liên quan đến bất động sản…
Để tăng nguồn cung cho thị trường, HoREA kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét và có kết luận đối với các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công”, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tạo thuận lợi trong giao đất và thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Cùng với đó, cơ quan chức năng có cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp còn đang vướng các thủ tục nghĩa vụ thuế có được phương án giải quyết phù hợp, nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước và được tiếp tục triển khai dự án.