Tỷ giá lên cao, doanh nghiệp dè chừng

Diên Vỹ 15:41 | 16/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Diễn biến tăng giá của đồng bạc xanh trong thời gian qua được nhận định có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thực tế, tác động này đã phần nào được phản ánh trong báo cáo tài chính bán niên 2022 nhiều công ty thuộc nhiều nhóm ngành.

Sáng 16/9, theo tỷ giá trung tâm và tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng.

Cụ thể, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được NHNN công bố ở mức 23.283 VND/USD, tăng 6 đồng so với phiên 15/9.

Với biên độ +/- 3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.980 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.585 VND/USD.

Tại các NHTM, tỷ giá USD cũng có xu hướng tăng. Tại ngân hàng Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 23.430 - 23.740  VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với phiên liền trước.

Trước đó, tại phiên 15/9, tỷ giá trung tâm và tỷ giá USD tại các NHTM cũng có một phiên tăng mạnh. Theo đó, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.277 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá USD  tại ngân hàng Vietcombank niêm yết ở mức 23.430 - 23.740 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 50 đồng/USD so với phiên giao dịch liền trước.

Như vậy, tỷ giá USD tại các NHTM đã có kỳ tăng liên tiếp trong 2 tuần qua và cao nhất trong 3 năm với mức 23.740 đồng/USD.

Nguyên nhân tỷ giá USD liên tục tăng được cho là do tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất cơ bản trong thời gian qua và dự kiến sẽ còn tiến hành 3 đợt tăng lãi suất từ nay đến cuối năm, khiến chỉ số dollar Index đo lường sức mạnh đồng USD hiện lên mức cao nhất kể từ năm 2002. Việc đồng USD mạnh lên bền bỉ được giới chuyên gia quốc tế nhận định có khả năng tác động đến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển theo hướng làm mất giá đồng tiền, gia tăng áp lực nợ.

Trong một báo cáo trước đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng từng cảnh báo diễn biến tăng giá của đồng bạc xanh có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

 Theo BVSC, tính đến cuối tháng 8, tỷ giá VND/USD chỉ tăng khoảng 2,64% so với cuối năm 2021, mức tăng không cao nếu so với biến động tăng tỷ giá của nhiều đồng tiền khác. Tuy nhiên, BVSC vẫn cảnh báo những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp (Nguồn: BVSC)

Nhiều doanh nghiệp "ngấm đòn" tỷ giá

Thực tế, diễn biến tăng giá của đồng USD đã phản ánh vào kết quả kinh doanh bán niên của nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Theo báo cáo tài chính bán niên hợp nhất đã soát xét của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (mã: HVN), lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, chi phí tài chính của Vietnam Airlines tăng 115% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 1.676 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu do khoản lỗ 1.012 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá (so với mức chỉ 108 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái). Điều này góp phần tạo nên khoản lỗ ròng 5.237 tỷ đồng của HVN trong kỳ.

Tương tự, tại CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), báo cáo tài chính bán niên hợp nhất đã soát xét cũng cho thấy chi phí tài chính tăng khoảng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 3.144 tỷ đồng, chủ yếu do lượng nguyên liệu nhập khẩu lớn và dư nợ vay bằng USD cao. Trong đó, tổng lỗ chênh lệch tỷ giá (đã thực hiện và chưa thực hiện) là 1.744 tỷ đồng, tăng vọt so với mức chỉ 333 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. 

Trong kỳ, HPG ghi nhận lãi ròng 12.229 tỷ đồng, giảm 27% so với bán niên 2021.

CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (mã: NVL) cũng ghi nhận chi phí tài chính 2.063 tỷ đồng trong kỳ bán niên 2022, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét. Trong đó, lỗ tỷ giá tăng gần 10 lần từ 31,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 300 tỷ đồng trong kỳ này, chủ yếu do khoản nợ vay bằng ngoại tệ lớn. 

Tình hình cũng tương tự với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tại báo cáo tài chính bán niên sau soát xét, CTCP Đầu tư cao su Đắk Lắk (mã: DRI) thể hiện chi phí tài chính tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái - từ 21,2 tỷ đồng lên 63,4 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh tăng từ 4 tỷ đồng lên 50,5 tỷ đồng, tức tăng hơn 12 lần. Điều này góp phần lớn khiến lãi ròng của doanh nghiệp bốc hơi 49% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 25,3 tỷ đồng. 

Báo cáo tài chính bán niên của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng thể hiện khoản chi phí tài chính tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái lên 48,4 tỷ đồng, trong đó lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện tăng lên 21 tỷ đồng so với 4,4 tỷ đồng cùng kỳ 2021. Dù khoản lỗ này chưa tác động lớn tới kết quả kinh doanh của công ty, nhưng cũng là chỉ báo quan trọng cho thấy tác động của diễn biến tỷ giá với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Chuyên gia: Kiên định giữ tỷ giá, linh hoạt với thị trường

Phân tích về yếu tố tỷ giá tác động đến kinh tế vĩ mô cũng như hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay diễn ra chiều 12/9 vừa qua, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định rằng nếu không ổn định được tỷ giá, Việt Nam đã vốn nhập khẩu lạm phát rồi, lại nhân với tỷ giá hối đoái tăng thêm 3-5% nữa thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp khi nguyên vật liệu đầu vào càng trở nên đắt đỏ. “Nếu không kiểm soát được lạm phát, nguy cơ đối với nền kinh tế sẽ là rất lớn”, ông Nghĩa cảnh báo.

Ngược lại, nếu Việt Nam duy trì chính sách ổn định tỷ giá kéo dài lại có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu vì USD tăng giá cũng làm cho VND tăng giá theo so với các đồng tiền khác... Khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam đến các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ bị đắt lên. Từ đó, gây tác động bất lợi cho xuất khẩu.

Còn ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân thì nhấn mạnh không nên phá vỡ tỷ giá đồng tiền. Theo ông Cường, Việt Nam phải kiên định giữ tỷ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường. "Nếu chúng ta không ổn định được tỷ giá, có nguy cơ dự trữ ngoại tệ của chúng ta chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp. Khi đó chúng ta sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ".