Tỷ giá vẫn ‘nóng’, biện pháp nào để ‘ghìm cương’?

Báo Tin Tức/TTXVN 07:59 | 06/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, giá USD niêm yết tại các ngân hàng đã tăng 4,3%. Giá USD trên thị trường tự do gần chạm mức 25.900 đồng/USD.

Giá USD tăng liên tục tăng suốt hai tuần qua

Ngày 5/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với đồng USD là 24.248 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày 4/11. 

Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch ngày 5/11 với tỷ giá trần là 25.460 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.036 đồng/USD.

Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.

Giá mua USD tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN vẫn được duy trì ở mức 23.400 đồng/USD. Còn giá bán USD tham khảo vẫn được giữ ở mức 25.450 đồng/USD kể từ ngày 25/10.

Tại hệ thống ngân hàng ngày 5/11, giá USD có diễn biến trái chiều ở chiều mua và bán. Giá USD bán ra tại các ngân hàng giảm 5 đồng so với mức niêm yết ngày 4/11 và đều được niêm yết ở mức kịch trần 25.460 đồng/USD.

Trên thị trường thế giới, giá USD có xu hướng đi lên. Chỉ số US Dollar Index (đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt) vào lúc trưa ngày 5/11 (giờ Việt Nam) ở mức 103,9 điểm, tăng 0,02% so với phiên liền trước.

Đề cập về diễn biến này, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: Trong những ngày đầu tiên của tháng 11/2024, thị trường ghi nhận mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng tăng so với mức giao dịch bình quân khá thấp trong tháng 10/2024; đồng thời tỷ giá USD/VND trong vài tuần vừa qua cũng tăng trở lại gần đạt mức cao nhất vào thời điểm giữa năm 2024. 

“Các diễn biến này khá tương đồng với các biến động dữ dội gần đây trên thị trường ngoại hối và tiền tệ toàn cầu từ việc xung đột tại Ukraina và Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, dự báo kết quả bầu cử tại thị trường lớn nhất thế giới chưa có kết quả rõ ràng, chênh lệnh tốc độ phát triển kinh tế giữa các nền kinh tế lớn… dẫn đến nhiều xu hướng dịch chuyển và phân tán rủi ro tài sản và đầu tư”, ông Đinh Đức Quang cho biết.

Theo Ngân hàng UOB Việt Nam, ở góc độ toàn cầu, dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn mạnh so với các nền kinh tế lớn khác mặc dù lãi suất USD vẫn đang neo ở mức cao trong suốt 2 năm qua. 

USD đã giảm giá trị trong tháng 9/2024 sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất với mức cao là 50 điểm nhưng ngay trong tháng 10/2024, đồng bạc xanh đã gần như lấy lại toàn bộ giá trị mất đi sau các dữ liệu kinh tế vững chắc được công bố (kinh tế phát triển, việc làm mới vững chắc và lạm phát giảm). 

Phát hành tín phiếu để giảm áp lực tỷ giá 

Trước tình hình này, NHNN đã có các động thái can thiệp nhằm ổn định các thị trường. Khi tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh, Cơ quan quản lý đã phát hành tín phiếu hút bớt lượng thanh khoản dư thừa ra khỏi thị trường nhằm giảm áp lực tỷ giá. 

Số liệu giao dịch ngoại hối trong vài tháng qua cho thấy phát sinh nhu cầu mua ngoại tệ tương đối lớn từ Kho bạc Nhà nước đi cùng việc kho bạc giảm bớt lượng tiền gửi VND tại hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM). Và khi thị trường cần thêm thanh khoản VND, Cơ quan quản lý đã bơm hỗ trợ thông qua kênh thị trường mở. 

Theo số liệu tham khảo đến cuối ngày 4/11, số dư phát hành tín phiếu khoảng 80 ngàn tỷ (kênh hút) trong khi số dư bơm thanh khoản qua thị trường mở là 50 ngàn tỷ (kênh bơm). Như vậy, Cơ quan quản lý đã và đang sử dụng hài hòa các công cụ ổn định thị trường và cho thấy chưa có tình trạng thiếu hụt thanh khoản trên thị trường. Các mức lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư và doanh nghiệp tại các NHTM được giữ ở mức ổn định trong tháng 10 và đầu tháng 11/2024 cũng khẳng định thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản. 

“Về lãi suất, chúng tôi dự báo cơ quan quản lý sẽ chưa điều chỉnh các mức lãi suất chính sách (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động) và sẽ tiếp tục sử dụng kinh hoạt các mức lãi suất can thiệp thương mại (lãi suất phát hành tín phiếu, lãi suất thị trường mở OMO) để giữ mặt bằng huy động ngắn hạn 3 tháng quanh mức 3 - 4% và dài hạn 12 tháng ở mức 5 - 6%”, ông Đinh Đức Quang dự báo.

Về tỷ giá, trên cơ sở Việt Nam tiếp tục đảm bảo các cân đối lớn, thặng dư thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối và du lịch tăng trưởng sẽ hỗ trợ tỷ giá USD/VND biến động quanh mức 3% hàng năm.

Theo ông Đinh Đức Quang, kết quả bầu cử tại Mỹ sẽ ít có tác động trực tiếp đến lãi suất VND và tỷ giá USD/VND do đồng tiền nội địa đã và đang được quản lý chặt chẽ trong khuôn khổ các hoạt động thương mại và đầu tư dài hạn hơn là công cụ đầu tư và đầu cơ ngắn hạn.

NHNN sử dụng song song 2 công cụ tín phiếu và OMO để đạt “mục tiêu kép” vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, vừa giảm sức ép lên tỷ giá. Cụ thể, trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), NHNN chào thầu 30.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất ở mức 4%, có hơn 29.999 tỷ đồng trúng thầu. Ngược lại, có 10.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố. Tính chung, NHNN đã bơm ròng gần 20.000 tỷ đồng qua kênh OMO trong phiên giao dịch ngày 4/11.

Mặt khác, NHNN tiếp tục chào thầu tín phiếu NHNN ở kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Theo đó, có 300 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,9%; 3.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tương ứng, NHNN đã bơm ròng 3.600 tỷ đồng trên kênh tín phiếu…