Vốn ngoại rót vào BĐS chiếm gần 10% tỷ trọng FDI, cơ hội sẽ đến với những phân khúc nào?

Đông Bắc 11:03 | 06/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 9 tháng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đạt 1,94 tỷ USD, chiếm khoảng 9,6% tỷ trọng FDI, hiện dòng vốn vào bất động sản vẫn đang chảy đều. Để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại, Việt Nam cần những hướng đi mới cho phân khúc này.

 Vốn ngoại rót vào BĐS chiếm gần 10% tỷ trọng FDI

Tổng quan chung về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn luôn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh  bất động sản đứng vị trí thứ 2. Mặc dù tổng vốn FDI vào bất động sản đạt gần 1,94 tỷ USD nhưng con số này vẫn sụt giảm tới 45% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường nhưng vốn FDI vào bất động sản vẫn chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký là tín hiệu khả quan. Như vậy, kể từ tháng 6/2023 đến nay, bất động sản đã giành lại ngôi vị thứ 2 và liên tục trụ hạng ở vị trí này.

 Vốn ngoại rót vào bất động sản chiếm gần 10% tỷ trọng FDI. Ảnh BCT.

Theo TTXVN, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận xét, dòng vốn FDI đang cho thấy nhiều cơ hội khi các dự án mới đăng ký tăng mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua việc hoàn thiện hóa các tuyến quốc lộ kết nối liên tỉnh đi kèm xây dựng mới và nâng cấp các sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và việc cải cách thủ tục hành chính đã tạo nên sức hút đầu tư cho thị trường.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, theo ông Matthew Powell, phân khúc về bất động sản xanh tại Việt Nam được các nhà đầu tư quan tâm. Nhất là khi các cam kết về ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và yếu tố xanh trong bất động sản đã trở thành một yêu cầu quan trọng.

“Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nước ngoài đã có cam kết về giảm thiểu phát thải ròng về 0 đến năm 2030, họ luôn cần lựa chọn phương án xanh hơn đối với bất động sản, kéo theo nhu cầu gia tăng đối với loại hình sản phẩm này. Do đó, các nhà đầu tư tại Việt Nam cần nắm bắt xu hướng thị trường, mang tới thêm các sản phẩm bất động sản đáp ứng các tiêu chí xanh và ESG” – ông Matthew Powell cho biết.

Nhận định chung về dòng vốn vào thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, cung tiền bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3/2023 đến nay và so với cùng kỳ năm trước tăng trên 6%. Khi vòng quay tiền nhanh hơn sẽ thúc đẩy vốn cho doanh nghiệp và người dân tốt hơn.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản có một số động lực để phục hồi. Đầu tiên phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ban ngành với những chỉ đạo sâu sát để giải quyết khó khăn trên thị trường bất động sản. Từ đó tháo gỡ vướng mắc về cả cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang tiếp tục quá trình tái cấu trúc ở từng phân khúc. Các chủ đầu tư đang xem xét, cân nhắc để tập trung nguồn lực vào các dự án khả thi để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại. Đó là yếu tố quan trọng cho thấy việc tái cấu trúc diễn ra trên toàn thị trường chứ không tập trung cụ thể ở phân khúc nào – ông Thịnh phân tích.

Đặc biệt, từ năm 2023, Chính phủ có Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" cũng giúp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực của thị trường một cách nhanh nhất.

Các khu công nghiệp sinh thái sẽ ngày càng mở rộng

Lượng vốn FDI tiếp tục gia tăng, khiến nhu cầu  bất động sản khu công nghiệp có sự tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý, tỉ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn đạt khoảng 80% tại khu vực phía Bắc và trên 85% tại khu vực phía nam. Trong khi giá cho thuê đất bình quân tại các khu công nghiệp trong quý II/2023 cơ bản ổn định so với quý trước và tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) lần thứ 3 mới đây, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, cho rằng, nhu cầu về bất động sản công nghiệp xanh và phát triển bền vững từ nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo do áp dụng thuế carbon.

Tuy nhiên, trở thành một địa điểm thu hút đầu tư hấp dẫn với nhiều lợi thế nhưng việc các nhà đầu tư có thể tận dụng được điều đó hay không, một phần lại tùy thuộc vào các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông Bruno, môi trường đầu tư của Việt Nam đang gặp phải 2 vấn đề lớn trong tương lai cần lời giải từ hôm nay, đó là lao động và năng lượng.

 

 Nhiều địa phương "dọn ổ" chào đón đại bàng đến đầu tư. Ảnh BĐS.

Theo đó, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hoá dân số. Dân số dưới độ tuổi lao động đang ít dần. Trong tương lai, Việt Nam sẽ có ít lao động hơn và có thể nhiều người sẽ không đồng ý làm việc với mức lương thấp. Do vậy, Việt Nam cần cân nhắc những nhà đầu tư đến chỉ vì chi phí lao động rẻ.

Với vấn đề năng lượng, việc thu hút FDI tăng mạnh như hiện nay, nếu không có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng ngay từ hôm nay, trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam có thể sẽ thiếu điện cho sản xuất.

Ông Bruno kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư lớn vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường và Việt Nam có dư địa rất lớn để thực hiện điều đó.

Tương lai của bất động sản khu công nghiệp ở Việt Nam rất nhiều triển vọng. "Theo dự đoán cá nhân, trong khoảng 7 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng không ngừng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Tôi cũng tin rằng, các khu công nghiệp sinh thái sẽ ngày càng mở rộng", ông Bruno nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI cũng đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đang triển khai việc xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Đây là cơ hội để sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển của các vùng kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.

Về lâu dài, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.