80% doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư tại Triều Tiên

11:14 | 18/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cuộc thăm dò được Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) tiến hành với sự tham gia của 1.176 doanh nghiệp Hàn Quốc cho thấy có 80% số doanh nghiệp được hỏi mong muốn tham gia đầu tư tại Triều Tiên một khi các biện pháp trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ.

80% doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư tại Triều Tiên - ảnh 1
Công nhân may trong một nhà máy ở Triều Tiên. Nguồn: TTXVN/Reuters
Theo kết quả thăm dò của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố ngày 17/6, có nhiều doanh nghiệp của nước này muốn tham gia các dự án phát triển tại Triều Tiên, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, tin từ TTXVN cho biết.

Cuộc thăm dò được tiến hành với sự tham gia của 1.176 doanh nghiệp Hàn Quốc cho thấy có 80% số doanh nghiệp được hỏi mong muốn tham gia đầu tư tại Triều Tiên một khi các biện pháp trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ.

Cụ thể, có 36,1% số các doanh nghiệp tham gia thăm dò cho biết họ muốn tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, còn 25,1% doanh nghiệp mong muốn mang lại lợi cho cho tầng lớp có thu thập thấp ở Triều Tiên.

Khoảng 12,5% các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến các dự án vốn đầu tư cho xã hội ở Triều Tiên, trong khi có 11,7% doanh nghiệp muốn Triều Tiên làm cầu nối đến tiến vào thị trường Trung Quốc hoặc khu vực Viễn Đông của Nga.

Trong lĩnh vực công nghiệp, có 35,1% các doanh nghiệp Hàn Quốc xem phát triển cơ sở hạ tầng tại Triều Tiên là lĩnh vực hứa hẹn nhất, tiếp sau là lĩnh vực điện tử, du lịch, dệt may và quần áo.

Thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên vừa qua tại Singapore cùng với diễn biến tích cực gần đây trong quan hệ liên Triều hứa hẹn mang đến cơ hội kinh doanh đối với nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc một khi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, kết quả thăm của KITA cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc không có ý định đầu tư vào Triều Tiên do thiếu thông tin tin cậy (22%) và lo ngại về việc chính quyền Triều Tiên can thiệp vào hoạt động kinh doanh (18,6%).

Có khoảng 13,7% các doanh nghiệp lo ngại khả năng về sự thay đổi chính trị tại Hàn Quốc dẫn tới chính sách về Triều Tiên cũng thay đổi.

Cũng thông qua cuộc thăm dò này, các doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị chính phủ đưa ra những chính sách mới để xây dựng môi trường thuận lợi cho các hoạt động trao đổi xuyên biên giới và những nỗ lực chung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn ở Triều Tiên, như đường sá, lưới điện và hệ thống cảng biển.

Về những tác động của quan hệ liên Triều đối với kinh tế Hàn Quốc, có 46,9% doanh nghiệp cho rằng mối quan hệ này sẽ mang lại kết quả tích cực, chỉ có 3,9% có ý kiến có ý kiến ngược chiều. Thêm vào đó, có 85,1% cho rằng mối quan hệ giữa hai miền được cải thiện sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của các công ty này.

Có 31,7% các doanh nghiệp hy vọng thương mại giữa hai miền Triều Tiên sẽ được nối lại trong 4 hoặc 5 năm tới, và có 22,3% ý kiến dự báo hai nước sẽ bình thường hóa quan hệ vào năm 2019.

Trước đó, cũng theo nguồn tin từ TTXVN, vào cuối tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi thực hiện các biện pháp hỗ trợ hợp tác kinh tế với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh cần điều chỉnh lại chi tiêu chính phủ để hỗ trợ hoạt động giao lưu liên Triều trong trường hợp Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân của họ.

80% doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư tại Triều Tiên - ảnh 2
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Getty Images) 
Trong cuộc họp các quan chức hàng đầu trong chính phủ, ông Moon Jae-in nói: "Kinh tế của chúng ta sẽ đối mặt sự thay đổi lớn nếu quan hệ Hàn-Triều cải thiện và hòa bình được thiết lập trên Bán đảo Triều Tiên.

Trước tiên, chúng tôi cũng sẽ cần xem lại vai trò của chi tiêu tài chính để hỗ trợ lộ trình kinh tế mới trên Bán đảo Triều Tiên trong công tác chuẩn bị cho việc khôi phục hợp tác kinh tế giữa miền Nam-Bắc."

Cuộc họp được tổ chức tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nêu trên nhằm thảo luận về chính sách tài chính của chính phủ trong 5 năm tiếp theo.