Bất động sản 5 tháng đầu năm: Vốn ngoại đăng ký giảm mạnh, số doanh nghiệp giải thể tăng
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/5, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký gần 1,16 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đăng ký đầu tư, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước (gần 3 tỷ USD).
Ngành bất động sản đã mất vị trí thứ 2 trong trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn ngoại kể từ tháng 4 vừa qua. Ngược lại, hoạt động tài chính, ngân hàng vươn lên đứng thứ 2.
Đối với tình hình đăng ký doanh nghiệp, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 1.744 doanh nghiệp, giảm hơn 61% so với cùng kỳ năm trước.Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể là 554 doanh nghiệp giải thể, tăng hơn 30%.
Trước đó, theo thống kê từ các Sàn giao dịch bất động sản là Hội viên của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong 3 tháng đầu năm tiếp tục có thêm 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, có khu vực con số này lên tới 80%.
Cùng thời điểm nói trên, ước số môi giới đang hoạt động chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Cá biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80%.
Thực tế, mặc dù đã có phần dễ thở hơn sau sự vào cuộc của Chính phủ nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa hết khó khăn. Không ít lãnh đạo các doanh nghiệp lớn vẫn tỏ ra khá thận trọng khi dự báo về triển vọng của ngành này trong thời gian tới.
Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Nam Long nhìn nhận 2022 là một năm đầy thách thức của ngành bất động sản, khó khăn hơn cả giai đoạn khủng hoảng 2008-2012.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, đánh giá khó khăn 2022-2023 chưa dừng lại và sẽ còn tiếp diễn đến 2024 và 2025, những khủng hoảng trái phiếu vẫn còn đó.
"Chúng tôi nhìn nhận đến ba rủi ro lớn: Rủi ro về thị trường và sản phẩm; rủi ro về tài chính và rủi ro về pháp lý”, vị này nói.
Theo đánh giá của ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) năm 2022, thị trường bất động sản đã đối mặt với những khó khăn khôn lường do lạm phát, các chính sách kiểm soát tín dụng, kiểm soát các kênh huy động vốn bị nghẽn, mặt bằng lãi suất tăng, các vướng mắc pháp lý dự án bất động sản kéo dài,… Điều này đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp và Novaland cũng nằm trong guồng khó khăn khốc liệt này.
Vị này cho rằng, năm 2023 là năm bản lề của giai đoạn kinh tế 2021-2025. Đây cũng sẽ là một năm để đo lường nội lực, sức bền và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Bản chất bất động sản có tính chu kỳ, khi đi hết chu kỳ thì sẽ bắt đầu phục hồi và đi lên.
Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hà Đô Nguyễn Trọng Thông nhìn nhận, sắp tới có một số luật được ban hành nhưng chính sách bất động sản thường có đỗ trễ rất dài. Do đó, đừng hy vọng năm 2024 sau khi một số luật được ban hành sẽ đổi mới thị trường bất động sản ngay lập tức, điều này là không thể. Bởi Nghị định thường đã có độ trễ kéo dài thì Luật sẽ càng trễ lâu hơn.
Theo ông Thông, bất động sản là ngành dẫn dắt ngành công nghiệp xây dựng, thị trường chứng khoán, tài chính ngân hàng. Nếu không tháo gỡ được khó khăn cho bất động sản thì các ngành khác cũng gặp khó khăn.
“Tuy nhiên, với tình hình này tôi cho rằng rất khó để tháo gỡ được hết vấn đề nếu cứ loanh quanh xử lý như hiện nay. Do đó, doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh, không thể trông chờ hoàn toàn vào những gì đang có”, Chủ tịch Hà Đô nói.