Bất động sản vẫn chờ yếu tố đột phá mới

Nhật Di 11:22 | 14/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trải qua 6 tháng đấu năm, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn khá trầm lắng khi thiếu nguồn cung, thanh khoản thấp... Theo đó, các chuyên gia nhận định thị trường sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực vào cuối năm.

 

Thị trường bất động sản chưa hết cảnh "bi đát"

Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản thiếu nguồn cung trầm trọng ở tất cả các phân khúc, nhất là nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Doanh nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn nên dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm nhân công… ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, có 25 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành với quy mô khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 4 dự án nhà ở xã hội xây dựng hoàn thành với quy mô 934 căn hộ. 8 dự án du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành với gần 3.900 căn, bằng 133% so với quý 4/2022 (gần 2.500 căn hộ du lịch, 680 biệt thự du lịch và 247 căn văn phòng kết hợp lưu trú).

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã có khoảng 400 dự án đang trong tình trạng "bất động" vì vướng các thủ tục pháp lý. Trong số đó, tại TP HCM có 156 dự án bị ách tắc kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

 

 Thị trường BĐS thiếu nguồn cung, thanh khoản thấp. Ảnh BĐS.

Về giá giao dịch bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định là có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022: giá chung cư tại nhiều địa phương giảm từ 2 - 6%, nhà ở riêng lẻ giảm từ 6 - 10%, đất nền tại các dự án giảm 8 - 11%...

Về tổng lượng giao dịch, Bộ Xây dựng thống kê có khoảng 187.000 giao dịch thành công, chỉ bằng hơn 36% so với 6 tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền. Lượng giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ chỉ bằng hơn 40% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Đáng chú ý, nợ trái phiếu của nhóm bất động sản vẫn cao nhất. Theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng bất động sản tính đến hết tháng 2 là gần 860.000 tỉ đồng. Bất động sản vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phát hành trái phiếu với hơn 37% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương hơn 100.000 tỉ đồng, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Chờ những tín hiệu tích cực để phục hồi

Dù nhận định thị trường sẽ còn phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, so với 6 tháng cuối năm 2022 và quý I năm nay, quý II vừa qua đã có thêm nhiều sắc màu tươi sáng hơn.

Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo bất động sản 6 tháng đầu năm mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, sau đợt sụt giảm mạnh gần 9 tháng qua, chỉ số mức độ quan tâm bất động sản trên cả nước đã tăng nhẹ 1% trong quý II. Tại TP HCM, nhu cầu giao dịch dần phục hồi tốt ở loại hình căn hộ và nhà riêng bán.

Một số thị trường tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình ở phía Bắc hay Long An, Bình Dương ở phía Nam đang dần phục hồi nhu cầu tìm kiếm nhà đất sau thời gian dài suy giảm.

"Tình hình kinh tế vĩ mô thế giới đang có những dấu hiệu ổn định. Lạm phát được kiểm soát, lãi suất và tỷ giá dần ổn định từ giữa năm nay. Nền tảng kinh tế hiện tại của Việt Nam vẫn còn rất tốt, thị trường vẫn có làn sóng nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang đầu tư ở Việt Nam", ông Quốc Anh cho hay. 

Đáng chú ý về chính sách "tháo gỡ" khó khăn cho thị trường bất động sản, được sự chỉ đạo của Chính phủ, trong 6 tháng qua Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Nút thắt lãi suất chính là vấn đề được thị trường quan tâm. Nếu giảm được lãi suất huy động sẽ giảm được lãi suất cho vay, kỳ vọng sẽ phục hồi.

 Thị trường bất động sản được dự báo sẽ đảo chiều từ quý IV/2023 hoặc sang quý I/2024. Ảnh BĐS.

 Đặc biệt, Chính phủ và nhiều tỉnh, thành đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Những hành động thiết thực này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển bất động sản này trở về trạng thái hồi phục và phát triển.

Về thị trường bất động sản thời gian tới, nhiều đơn vị nghiên cứu dự báo , trong 2 quý cuối năm nay, thị trường bất động sản nói chung khó có sự bùng nổ về nguồn cung do áp lực bối cảnh kinh tế. Tuy nhiên, thị trường đang dần "thẩm thấu" những thay đổi tích cực về chính sách thời gian qua.

Theo đó, nửa cuối năm 2023 là thời điểm thị trường bất động sản có thể bật trở lại từ điểm đáy và sẽ nhẹ nhàng đi lên. Nhu cầu nhà ở vẫn tập trung vào phân khúc giá cả vừa túi tiền, phục vụ mục đích ở thực.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, phải từ quý IV năm nay, đà phục hồi của thị trường mới rõ nét hơn. Bởi đây cũng là thời điểm những chính sách gỡ vướng cho thị trường phát huy hiệu quả.

Cụ thể, theo ông Lực, nửa cuối năm nay vẫn cần đẩy nhanh việc rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… Trong đó, cần chú trọng điều tiết cung - cầu bất động sản.

Còn bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định, cần có sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp từ chính sách pháp luật, hoàn thiện hóa các luật: Đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản…, đến hỗ trợ bổ sung nguồn cung mới và định hướng rõ ràng cho thị trường; rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt các dự án.

Đồng thời, theo bà Hằng cần có chính sách giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... hài hòa lợi ích chung, hướng đến phát triển thị trường ổn định, bền vững; chính sách tín dụng được tính đến một cách linh hoạt, hợp lý. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tiện ích giúp người dân dễ dàng di chuyển giữa các khu vực, tạo sự linh hoạt, phát huy tối đa nguồn cầu về nhà ở.