Bộ Xây dựng lên tiếng về quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Đông Bắc 11:03 | 23/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không tán thành quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã có ý kiến phản hồi.

  

Việc đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn - một trong những nội dung nằm trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội đang nhận được sự quan tâm của người dân.

Ngày 17/3, tại cuộc họp góp ý về dự án Luật nhà ở (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật Quốc hội (UBTVQH) đã có ý kiến về dự thảo này. UBTVQH cho biết là đa số ý kiến thành viên thường trực của Cơ quan thẩm tra Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) không tán thành việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn, bởi nhà ở là tài sản lớn của người dân, nên việc quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn khiến cho quyền sở hữu của người dân sẽ không được xác lập, phụ thuộc vào quyết định hành chính của cơ quan quản lý khi kiểm định nhà chung cư và việc này cũng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Quy định này có thể sẽ dẫn tới mất cân đối cung - cầu nhà ở, người dân tăng mua đất thay vì mua căn hộ chung cư và giá nhà đất có thể tăng cao. Do vậy, không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, mà vẫn giữ như hiện hành, tức là sở hữu nhà chung cư không có niên hạn, nhưng cần phải bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoặc hết niên hạn sử dụng.

 Bộ Xây dựng phản hồi về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Ảnh Nhật Di.

Trước ý kiến trên, đại diện Bộ Xây dựng đã có phản hồi liên quan đến đề xuất này. Theo Bộ Xây dựng, Luật nhà ở hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Do đó họ không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới, khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn. Dự thảo mới sẽ tháo gỡ được nút thắt cải tạo chung cư cũ tồn tại suốt nhiều năm qua.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân, dự thảo cũng đã có những quy định cụ thể như người dân vẫn tiếp tục có quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư. Sau khi hết thời gian sở hữu, những ai không có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, được mua nhà ở xã hội...

 Chia sẻ trên VTV,  ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, các uỷ viên Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải đánh giá kĩ, xem xét thực tiễn để xem cái chốt của vấn đề không cải tạo được nhà chung cư cũ có phải là do quy định về sở hữu hay không, hay là do các quy định khác? Và quy định sở hữu thì có đảm bảo với các quy định của pháp luật dân sự, khi cho rằng quyền dân sự của người dân bị hạn chế? Cho nên UBTVQH đề nghị tiếp tục nghiên cứu, có thể là quy định theo hướng cụ thể các trường hợp phá dỡ khi hết thời hạn sử dụng, chứ không đặt vấn đề thời hạn sở hữu trong dự thảo luật.

Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không tán thành quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, sau cuộc họp, Bộ Xây dựng chờ ý kiến của Chính phủ liên quan đến đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn và tiếp tục lấy ý kiến các bên về vấn đề này cũng như những vấn đề liên quan dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), sẽ được đưa ra thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ V của Quốc hội vào tháng 5 tới đây.

Trước đó, nội dung về sở hữu nhà chung cư, thời hạn sở hữu nhà chung cư do cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng) đưa ra 2 phương án: Phương án 1 bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư; phương án 2 không quy định về sở hữu nhà chung cư.

Dù vậy, tại tờ trình mới nhất gửi lên UBTVQH, Chính phủ đưa ra 1 phương án duy nhất sở hữu nhà chung cư cần có thời hạn. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chung cư có thời hạn do chính quyền địa phương xem xét quyết định, theo từng dự án, đặt mục tiêu của chủ đầu tư. Chủ đầu tư định xây 70 năm sẽ thiết kế 70 năm và chính quyền địa phương phê duyệt 70 năm với giá tính theo thời hạn này. Nếu thiết kế 100 năm sẽ phê duyệt theo thời gian này. Theo đó, thời hạn sẽ linh hoạt . “Một công trình thiết kế 50 năm không thể nói là sẽ tồn tại 70 năm, cơ quan chức năng sẽ thẩm tra, phê duyệt. Vấn đề này tùy theo chủ đầu tư”, ông Sinh nói.

 Ông  Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ảnh VGP.

Ông Sinh cho biết thêm, với phương án trên, chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phá dỡ sẽ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải đóng góp kinh phí xây dựng chung cư mới. Việc đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư được xác định theo tỷ lệ diện tích sử dụng căn hộ sở hữu cá nhân với suất đầu tư (tại thời điểm lập phương án bồi thường).

Trường hợp chủ sở hữu không có nhu cầu đóng góp kinh phí để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất theo tỷ lệ diện tích sử dụng chung, được xác định theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm thực hiện bồi thường và phải bàn giao lại diện tích đất thuộc quyền sử dụng cho chủ đầu tư dự án.

Cùng với đó, thời hạn sở hữu nhà chung cư phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư. Trường hợp nhà chung cư hết thời hạn sở hữu nhưng vẫn còn đủ điều kiện tiếp tục được sử dụng theo kết luận kiểm định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì chủ sở hữu đề nghị cơ quan cấp giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu.