Kỳ vọng nhà ở xã hội là 'điểm sáng' cho thị trường bất động sản 2023 - 2024

Đông Bắc 09:34 | 11/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau những biến động trong năm 2022, thị trường bất động sản nhà ở năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng cường nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.

Giải bài toán tăng cường nguồn cung nhà ở xã hội 

Mặc dù chưa hết năm 2022 nhưng qua 10 tháng cho thấy, thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng đều có nhiều biến động. Nguồn cung các dự án trên thị trường đều trong tình trạng khan hiếm, trong khi đó giá nhà vẫn tiếp tục neo cao. Những rào cản về mặt pháp lý và các chính sách liên quan đến nguồn vốn tín dụng dành cho phân khúc  nhà ở xã hội khiến cho nhiều chủ đầu tư còn băn khoăn và chưa mấy mặn mà với loại hình bất động sản này.

Vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vào chiều ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nhận được nhiều câu hỏi, sự quan tâm của các đại biểu và cử tri cả nước về xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua, việc phát triển nhà ở xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đã đạt một số kết quả ban đầu song chưa được như kỳ vọng, đến nay cả nước mới có 7,79 triệu mét vuông nhà ở xã hội trong khi yêu cầu đặt ra là 12,5 triệu mét vuông. Quỹ đất cho nhà ở xã hội cũng chỉ đáp ứng được 36,34%.

 Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng đề ra có khả thi cao. Ảnh KTĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngoài những kết quả đã đạt được trong thời gian qua thì vẫn còn một số tồn tại vướng mắc. Cụ thể:

Thứ nhất, quy định pháp luật còn một số tồn tại vướng mắc cần nghiên cứu để sửa đổi bổ sung cho đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là sửa đổi Luật Nhà ở và một số Luật khác có liên quan, để sửa đổi các nội dung như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng mua bán nhà ở xã hội; việc xác định giá nhà ở xã hội trước khi giao dịch; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành ra quỹ đất tối thiểu 20% để cho thuê; chưa có quy định cho phép các tổ chức doanh nghiệp hợp tác xã được thuê mua nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động của mình trong khi thực tế nhu cầu này rất lớn. Những bất cập về pháp luật này làm hạn chế việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua.

Thứ hai, việc bố trí nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, thực tế hiện nay nguồn vốn để bố trí cho thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đối với ngân hàng chính sách mới chỉ được khoảng 35% so với nhu cầu, còn nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng chỉ định thì chưa được bố trí vốn.

Thứ ba, trong tổ chức thực hiện, thời gian qua một số địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Từ đó chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm cũng như hàng năm để tập trung nguồn lực đầu tư. Chưa xác định rõ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm, hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự kiến để làm dự án nhà ở xã hội, chưa thực quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp người dân tham gia.

Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ, việc phát triển nguồn cung nhà ở xã hội thời gian qua chưa đạt yêu cầu và nêu một số nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới:

Thứ nhất, đối với các bộ ngành, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ các vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đảm bảo tăng nguồn cung nhà ở xã hội như sửa Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị cũng như hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan.

Thứ hai, tiếp tục rà soát nhận diện để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong các dự án đang triển khai thực hiện.

Thứ ba, tập trung triển khai có hiệu quả đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân.

Thứ tư, đối với các địa phương, tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính để tạo quỹ đất cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh Quốc hội.

Chuyên gia "hiến kế" tháo gỡ vướng mắc để nhà ở xã hội phát triển

Liên quan đến đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng đang triển khai, giới chuyên gia cũng đặt nhiều kỳ vọng. Chia sẻ trên Reatimes, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, sự quan tâm của Nhà nước đối với các doanh nghiệp rất quan trọng. Nhà nước cần đưa ra các chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp, làm thế nào để họ có được các nguồn nguyên nhiên vật liệu đầu vào với mức giá hợp lý, có được quỹ đất sạch và những cách thức để giảm chi phí xây dựng mà chất lượng vẫn đảm bảo tuyệt đối.

Công trình nhà cao tầng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân, bởi vậy vai trò của người quản lý, giám sát xây dựng là rất lớn. Thời gian tới đây sự quan tâm của các bộ ngành, chính quyền đến với vấn đề này cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng với tiến độ nhanh hơn, bắt kịp nhu cầu ngày càng lớn.

Cần có sự chuyển hoá trong tư duy của cán bộ các địa phương, các ban ngành trong việc xây dựng nhà ở xã hội, coi đây là nhiệm vụ chủ chốt của chính quyền địa phương. Sự thay đổi tư duy, cách tiếp cận của chính quyền địa phương có vai trò quyết định, tác động trực tiếp đến cơ chế chính sách, quy hoạch và việc phối kết hợp với các ban ngành để giải quyết các nhu cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi tư duy của doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng. Cần hiểu tầm quan trọng của công trình và không có sự phân biệt về chất lượng xây dựng công trình của nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, không có tư tưởng làm cho xong. Vì nếu chỉ làm cho xong, chất lượng không đảm bảo, dự án không được bán, sẽ gây lãng phí rất nhiều.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đã đưa ra dự báo chung, thị trường bất động sản năm 2023 - 2024 sẽ ấm dần lên. Việc phát triển thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt khi Quốc hội chỉnh sửa các Luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Sự thay đổi này sẽ là cơ hội, là động lực để chấn chỉnh, tái cấu trúc lại toàn bộ thị trường bất động sản cũng như tạo ra bức tranh phát triển mới cho lĩnh vực đầu tư bất động sản.

Đối với nhà ở xã hội, hy vọng với sự quyết tâm, sự bắt tay vào cuộc tương đối mạnh mẽ của Chính phủ, của các địa phương, các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, phân khúc này sẽ có sự khởi sắc không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác. Hướng tới trong năm 2023 - 2024, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá rẻ sẽ được gia tăng, trở thành phân khúc chủ đạo trên thị trường bất động sản, giảm bớt tình trạng chênh lệch cung - cầu, giúp phần lớn người dân đô thị chạm tới được giấc mơ an cư.