Cấm nhà đầu tư vi phạm tham gia các dự án mới để thị trường BĐS lành mạnh hơn

Đông Bắc 16:23 | 06/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ phát triển lành mạnh hơn nếu như các nhà đầu tư vi phạm bị xử lý thật nghiêm.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn.

Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có 1.135 cụm (tòa) nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng. Trong đó, đã thành lập 804 Ban quản trị nhà chung cư; đã có 723/804 nhà chung cư bàn giao hồ sơ cho Ban quản trị. Đồng thời có 567/804 nhà chung cư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị (không tính 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005 không có kinh phí bảo trì); có 709/804 nhà chung cư bàn giao diện tích sở hữu chung cho Ban quản trị; 700/804 nhà chung cư bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng cho Ban quản trị.

Thông tin từ Văn phòng UBND TP Hà Nội, công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng  nhà chung cư thương mại đã được các cấp, ngành TP triển khai thực hiện theo quy định pháp luật, từng bước đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn, cải thiện điêu kiện ở và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Tuy nhiên, trong quá trình này vẫn còn một số bất cập, như: Chưa giải quyết triệt để, vẫn còn các tranh chấp khiếu kiện về quỹ bảo trì, quản lý diện tích thuộc sở hữu chung, bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, chỗ để xe... Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; một số chủ đầu tư thiếu ý thức thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, kinh phí bảo trì, diện tích sở hữu chung - riêng... năng lực tài chính, trình độ và kinh nghiệm quản lý còn kém.

Một số ban quản trị còn vi phạm trong sử dụng kinh phí bảo trì, quản lý, vận hành nhà chung cư; chưa hiểu đầy đủ quy định của pháp luật về nhà ở trong từng thời kỳ cụ thể nên dẫn đến bất đồng, tranh chấp với chủ đầu tư và cư dân, có trường hợp ban quản trị đã kích động cư dân khiếu kiện, tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự... Ngoài ra, việc giải quyết đơn thư, kiến nghị của cơ quan Nhà nước chưa được kịp thời dẫn đến một vài khiếu kiện kéo dài gây bức xúc dư luận…

Theo đó, Hà Nội kiên quyết không cho phép nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng hoặc đang vi phạm về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố... 

 Hà Nội: Nhà đầu tư vi phạm sẽ không được tham gia các dự án mới. Ảnh VGP.

Chuyên gia: Cấm nhà đầu tư vi phạm đầu tư dự án mới sẽ góp phần lành mạnh hoá thị trường BĐS 

Liên quan đến vấn đề "cấm cửa" nhà đầu tư vi phạm tham gia đầu tư các dự án bất động sản, GS.TSKH Đặng Hùng Võ,  Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định trên báo Kinh tế Đô Thị rằng chủ trương của UBND TP Hà Nội chính là tín hiệu tích cực, góp phần lành mạnh hoá thị trường BĐS.

Theo ông Võ, tại Hà Nội hiện nay, các dự án vi phạm nhà ở còn tồn đọng, nhiều dự án không đạt hiệu quả, thậm chí bỏ hoang gây thất thoát lãng phí lớn tài nguyên, thiệt hại tài sản Nhà nước. Quy trình xử lý cấp sổ đỏ, sổ hồng cho người dân cũng còn nhiều rắc rối, tạo ra những bất bình trong xã hội. Hiện trạng ấy mang tới hình ảnh không đẹp cho Thủ đô và một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hà Nội là phải chấn chỉnh, giải quyết triệt để vấn đề.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: "Tôi cho rằng việc cấm nhà đầu tư vi phạm đầu tư dự án mới thể hiện một xu hướng tiến bộ của TP Hà Nội. Xu hướng này sẽ giúp khắc phục những điểm còn yếu kém, giúp chấn chỉnh những sai phạm, góp phần làm lành mạnh hoá thị trường BĐS. Chủ trương này sẽ thực sự khả thi và hiệu quả nếu thực hiện một cách nghiêm túc. Đặc biệt cần phải cương quyết vượt ra khỏi nhóm lợi ích, nếu làm tốt, thị trường BĐS hiển nhiên sẽ trở nên lành mạnh, giá cũng sẽ hướng về người dân, phù hợp với túi tiền của người dân”.

Cũng theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, khi thị trường BĐS lựa chọn được những nhà đầu tư nghiêm túc, thực hiện đúng pháp luật thì câu chuyện trái pháp luật, trái quy hoạch… sẽ không còn. Và nếu chủ trương trên của TP Hà Nội được thực hiện hiệu quả sẽ trở thành một ví dụ sinh động, đáng để các địa phương khác học hỏi.