Đại biểu Quốc hội: Cần quy định rõ các dấu hiệu của hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản

Đông Bắc 14:08 | 31/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị phải cấm hành vi thao túng, làm giá, vì hành vi này cũng nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

  

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh  bất động sản (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) đề nghị bổ sung thêm quy định cấm với hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. Cùng đó, quy định rõ các dấu hiệu của hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

"Trong thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước", đại biểu Sinh nêu.

Cùng mối quan tâm, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An (đại biểu đoàn Đồng Nai) đề nghị làm rõ hành vi thao túng thị trường chứng khoán và cần quy định rõ là cấm thao túng, làm giá thị trường bất động sản. Vì hành vi thao túng thị trường bất động sản "cũng nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng thị trường chứng khoán".

Đại biểu dẫn chứng, Điều 211, Bộ luật Hình sự quy định hành vi thao túng thị trường chứng khoán, song hành vi thao túng thị trường bất động sản thì chưa có, trong khi hành vi này đang diễn ra rất tinh vi. Từ đó dẫn đến tình trạng bong bóng và giá trên trời. Cần phải cấm trong luật và đặc biệt có quy định cụ thể để loại trừ.

 

  Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An (đại biểu đoàn Đồng Nai). Ảnh Quochoi.vn.

“Thao túng không chỉ qua việc đấu thầu giá cao rồi bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá dự án khác, tạo ra mặt bằng giá rất cao. Nếu chúng ta không xử lý triệt để thì sẽ tạo thành bong bóng bất động sản và dẫn tới sự cố vỡ nợ giống như vụ Evergrande ở Trung Quốc", ông An phân tích.

Liên quan tới điều tiết thị trường bất động sản , ông Trịnh Xuân An cho biết, hiện có chuyện thị trường chênh lệch giữa phân khúc này, phân khúc kia, do đó, rất cần điều tiết. Tuy nhiên, ông An đặt vấn đề điều tiết thế nào để không can thiệp thị trường.

Ông An dẫn chứng, dự thảo luật quy định nguyên tắc: "Nhà nước chủ động, tăng cường điều tiết thị trường bất động sản trong trường hợp thị trường bất động sản có diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội" là chưa rõ, khá định tính, nhất là với điều kiện "diễn biến phức tạp".

Kế đó, về các biện pháp điều tiết thị trường, dự thảo luật dự kiến các biện pháp điều chỉnh mục tiêu, quy mô, tiến độ, cơ cấu sản phẩm của dự án; điều chỉnh dự án bất động sản…

Ông An cho rằng, các biện pháp này đều can thiệp vào dự án. Do đó, cần phải rà soát kỹ các quy định về nguyên tắc, biện pháp điều tiết thị trường bất động sản để thị trường phát triển lành mạnh nhưng cũng không can thiệp vào thị trường.

Về thẩm quyền thực hiện điều tiết thị trường bất động sản, dự thảo luật quy định Chính phủ quyết định các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh nghiên cứu, đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản theo quy định của luật này và theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

Trường hợp vượt thẩm quyền, Chính phủ báo cáo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các chính sách, giải pháp điều tiết thị trường bất động sản.

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng đề xuất bổ sung hành vi thao túng thị trường bất động sản vào dự án luật. Trong đó có việc cấu kết đấu giá quyền sử dụng đất, thổi giá các khu vực xung quanh.

Theo ông Thông, thời gian gần đây, hành vi này diễn ra khắp nơi làm giá đất tăng cao, người dân có nhu cầu thực sự không thể mua đất xây dựng nhà ở.

Không bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn

Tại buổi thảo luận, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề cập đến tình trạng sàn giao dịch “tay trái mua, tay phải bán”, làm nhiễu loạn thị trường, nên đề nghị luật lần này phải quy định chặt chẽ hơn, theo hướng sàn chỉ thực hiện chức năng trung gian, thu phí, chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp, chứ không được tham gia vào mua, bán.

"Sàn chỉ được hưởng phí xác nhận giao dịch như công chứng và thù lao môi giới hai bên thoả thuận với nhau. Tôi đồng tình dự thảo luật không bắt buộc giao dịch qua sàn, nhưng người nào đã giao dịch qua sàn thì dùng giấy xác nhận đó, không phải qua công chứng nữa", ông Cường nêu.

  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng chỉ khuyến khích thực hiện giao dịch qua sàn bất động sản chứ không bắt buộc. Ảnh Quochoi.vn.

Trong phần giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu, về Sàn giao dịch bất động sản, nhiều đại biểu ủng hộ với việc khuyến khích mà không bắt buộc qua Sàn giao dịch, đồng thời cần có các quy định nhằm nâng cao năng lực chuyên nghiệp của Sàn, chất lượng trình độ của những người hoạt động ở Sàn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội qu định theo hướng Sàn thực hiện chức năng trung gian môi giới, không tham gia vào mua bán.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật. Đối với 3 vấn đề đang trình, 2 phương án đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, thể hiện chính kiến, lựa chọn phương án. Đây là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện, trình Quốc hội lựa chọn xem xét phương án khả thi nhất.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, điều kiện thị trường bất động sản, giải quyết tranh chấp, công khai thông tin minh bạch… Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.