Đề nghị xem xét lại mục tiêu GDP năm 2021 đang quá cao

15:28 | 04/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Do nền kinh tế vẫn trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, đại biểu Quốc hội đoàn Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến nhận xét mục tiêu GDP năm 2021 đang quá cao.
Ngày 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách Nhà nước năm 2020-2021.
 
Trong phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn Vĩnh Phúc ông Trần Văn Tiến đặt vấn đề về việc mục tiêu GDP dự kiến đạt 6% trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 và thiên tai liên tục xảy ra gây ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, chỉ tiêu quy mô GDP bình quân đầu người dự kiến là 3.700 USD là đang quá cao khi bình quân năm 2020 mới đạt 2.750 USD.
 

Kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khả quan

 
Đại biểu Trần Văn Tiến cho biết về cơ bản đồng tình với các báo cáo trình Quốc hội và báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội về KT-XH, ngân sách Nhà nước. Về việc thực hiện phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước năm 2020, đại biểu nhận định năm 2020 là năm gặp rất nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và thiên tai, biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, thiệt hại nhiều tài sản và tính mạng của nhân dân. Việc sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều chỉ tiêu KTXH và ngân sách không đạt, một bộ phận người lao động bị mất việc làm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
 
Đề nghị xem xét lại mục tiêu GDP năm 2021 đang quá cao
 
Bên cạnh những hạn chế của nền kinh tế năm 2020, KTXH và ngân sách Nhà nước vẫn đạt được nhiều kết quả và có nhiều điểm sáng được ghi nhận. Dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi phát triển KTXH. Việt Nam là nước thuộc nhóm các nước có số người mắc bệnh và tử vong thấp nhất, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 2%, trong khi hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều tăng trưởng âm. Với dịch bệnh như vậy mà nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương là điều rất đáng mừng.
 
Đề nghị xem xét lại mục tiêu GDP năm 2021 đang quá cao
 
Đại biểu cho biết, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4% đạt mục tiêu đề ra. Khu vực nông - lâm - thủy sản tiếp tục tăng trưởng cao, và cao hơn năm 2019 là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm khó khăn, góp phần giữ ổn định trật tự an toàn xã hội. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao khoảng 20,2% khẳng định kinh tế khu vực trong nước dù khó khăn nhưng vẫn tiếp tục phát triển. Một số khoản thu ngân sách Nhà nước tăng cao, như thu tiền nhà đất, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế,... tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Giải ngân vốn đầu tư đạt tỷ lệ cao nhất trong 5 năm trở lại đây, xử lý nợ xấu hàng tháng tăng gần 2 lần so với trước khi có Nghị quyết 42, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. GD-ĐT đã nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép trong việc dạy và học, đặc biệt đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học được an toàn. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục được giảm, đạt mục tiêu nhờ có chính sách hỗ trợ, chính sách an sinh xã hội được ban hành kịp thời.

Có được kết quả trên là do có sự quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả trên cũng đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành đất nước.
 

Dự kiến kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách năm sau

 
Theo đại biểu, sự thay đổi về loại chỉ tiêu, cụ thể thay 5 chỉ tiêu mới cho 5 chỉ tiêu thường dùng trước đây, đồng thời số lượng chỉ tiêu giữa các lĩnh vực cũng có sự thay đổi, đề nghị trong báo cáo nêu rõ lý do của sự thay đổi. Đáng chú ý, ông Trần Văn Tiến nhận định: "Chỉ tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 6% là cao, vì tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh. Do đó, cần xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý". Bên cạnh đó, chỉ tiêu về quy mô GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 3.700 USD là quá cao. Năm 2020 bình quân mới đạt 2.750 USD, đại biểu đề nghị Quốc hội xem lại tính khả thi của chỉ tiêu này.
 
Đề nghị xem xét lại mục tiêu GDP năm 2021 đang quá cao
 
Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động - xã hội (LĐXH) khoảng 4,8 % thấp hơn so với năm 2019. Đề nghị cân nhắc thêm khi ta đang áp dụng và đổi mới các tiến bộ khoa học công nghệ. Chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng không tăng bằng số liệu năm 2019, đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung chỉ tiêu mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị GDP. Đây là chỉ tiêu quan trọng, phản ánh kết quả của việc đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất và áp dụng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, để giảm mức tiêu hao năng lượng, trong sản xuất kinh doanh phản ánh sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế. Có thể giảm mức tiêu hao năng lượng so với GDP bằng cách hạn chế các ngành hoạt động tiêu tốn năng lượng và phát triển các ngành ít tiêu hao năng lượng hơn.
 
Theo đại biểu, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, cần tập trung nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển, sản xuất kinh doanh. Đây là những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp nhất và nhiều nhất.
 
Đại biểu cũng đề xuất tập trung nguồn lực xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, để hỗ trợ, cứu trợ người dân vùng bị thiệt hại bão lũ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống để tiếp tục sản xuất kinh doanh như tái định cư, nhà ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất, giống và vốn,... Theo đại biểu, Nhà nước cần thiết đầu tư, mua sắm phương tiện, máy móc, trang thiết bị dự trữ quốc gia để đáp ứng nhu cầu ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra bất cứ tình huống nào; tránh tình trạng sau nhiều ngày xảy ra sự cố vẫn khong tiếp cận ứng cứu kịp thời các khu vực bị cô lập.
 
 
 
Linh Chi (t/h)