Facebook trả lời chất vấn Quốc hội Ấn Độ về các điều khoản quyền riêng tư mới của WhatsApp
Các giám đốc điều hành của Facebook sẽ phải trả lời các câu hỏi của ủy ban Quốc hội Ấn Độ vào hôm thứ 5 (21/1) về những thay đổi đối với quyền riêng tư của WhatsApp.
Theo Reuters, ủy ban Quốc hội Ấn Độ sẽ chất vấn các giám đốc điều hành của Facebook 2 câu hỏi là, tại sao Facebook cần thay đổi chính sách bảo mật của WhatsApp và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người dùng?
Nền tảng nhắn tin có 2 tỷ người, dùng đầu tháng này đã gây ra phản ứng dữ dội khi thông báo đang chuẩn bị thay đổi chính sách bảo mật mới, theo đó cho phép ứng dụng này chia sẻ nhiều thông tin hơn với công ty mẹ Facebook, bao gồm số điện thoại và vị trí của người dùng.
Chính sách về quyền riêng tư mới của WhatsApp gây ra nhiều bức xúc cho người dùng
Sau khi WhatsApp đưa ra thông báo này, rất nhiều người dùng đã tìm đến các ứng dụng đối thủ là Signal và Telegram, buộc ứng dụng này phải trì hoãn việc áp dụng chính sách bảo mật mới đến tháng 5, trước đó chính sách này dự kiến được áp dụng trong tháng 2.
Ấn Độ là thị trường lớn nhất của WhatsApp với hơn 400 triệu người dùng. WhatsApp đã có những kế hoạch lớn tại quốc gia này như phát triển không gian thanh toán kỹ thuật số và bán bảo hiểm y tế.
Năm ngoái, Facebook đã đầu tư 5,7 tỷ USD vào đơn vị kỹ thuật số của tập đoàn Reliance Industries do Mukesh Ambani đứng đầu, với kế hoạch nhằm thu hút hàng chục triệu chủ cửa hàng truyền thống sử dụng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số qua WhatsApp.
Đầu tuần này, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã có email gửi đến Giám đốc WhatsApp Will Cathcart khẳng định rẳng, bản cập nhật chính sách chia sẻ dữ liệu sắp tới làm dấy lên “quan ngại nghiêm trọng về tác động của nó tới lựa chọn và quyền tự chủ của công dân Ấn Độ. Do đó, chúng tôi kêu gọi các bạn rút những thay đổi được đề xuất”.
Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ còn yêu cầu WhatsApp làm rõ thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với Facebook và các công ty khác, cũng như tại sao người dùng châu Âu được miễn trừ chính sách quyền riêng tư mới còn người dùng Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận.
Bộ cho rằng đối xử phân biệt như vậy là phương hại tới lợi ích của người dùng Ấn Độ và chính phủ nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm trọng. Chính phủ Ấn Độ có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của công dân không bị tổn hại và do đó yêu cầu WhatsApp phản hồi lại các vấn đề nêu ra trong thư.
H.A