Gần 500 dự án BĐS được gỡ vướng, thị trường đã có tín hiệu phục hồi

Đông Bắc 13:28 | 04/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Xây dựng cho biết, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã có những kết quả hết sức tích cực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Do đó, các chuyên gia thị trường BĐS đã qua giai đoạn khó khăn nhất và có tín hiệu phục hồi.

 

Gần 500 dự án bất động sản được gỡ vướng

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, đồng thời tiếp nhận các văn bản, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tại TP HCM, tổ công tác đã làm việc, để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: 10 nội dung về nhà ở xã hội; 10 nội dung về cải tạo chung cư cũ; 4 nội dung về quy hoạch; 4 nội dung liên quan đến đầu tư, hộ khẩu và 2 nội dung về đất đai.

Qua đó, xác định các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Sau khi Tổ công tác, Bộ Xây dựng trao đổi, hướng dẫn, cơ bản các khó khăn, vướng mắc đã được làm rõ, giải quyết căn bản.

 Gần 500 dự án bất được sản được gỡ vướng. Ảnh BĐS.

“Hiện UBND TP HCM đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành. Theo thông tin của Sở Xây dựng, đến nay thành phố đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu), trong đó: có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác; có 39 dự án qua rà soát của địa phương”, Báo cáo của Bộ Xây dựng nêu.

Còn tại Hà Nội, tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: triển khai thực hiện dự án nhà ở, khu đô thị, chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất các dự án...

Qua đó, xác định các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Do đó, Tổ công tác đã hướng dẫn UBND Thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố để UBND Thành phố thực hiện.

Hiện tại, các địa phương đều đã đang tích cực tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Đến nay, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM có nhiều dự án bất động sản nhất cả nước đã có những kết quả TP Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu; TP HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án, tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu.

Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi

Tại Hội nghị, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá cao vai trò của Hội nghị trong việc đưa ra những đánh giá khái quát, đầy đủ hơn nữa về hiện trạng thị trường bất động sản cũng như xem xét về hiệu quả của Nghị quyết 33, qua đó tạo cú huých quan trọng cho thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn, an toàn và bền vững hơn trong thời gian tới.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đây là một Nghị quyết được ban hành với nội dung toàn diện; đã tháo gỡ được 3 vấn đề cơ bản gồm: pháp lý; nguồn vốn và thị trường bất động sản, đặc biệt là vấn đề cung - cầu; cùng với những cơ chế chính sách khác có liên quan.

Đánh giá chung về thị trường bất động sản, chuyên gia cho rằng thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất cả về tài chính, nhất là việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; về giao dịch bất động sản; về tháo gỡ các vướng mắc chính đối với các dự án bất động sản. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để có thể lấy lại niềm tin cho thị trường.

Thị trường đang dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay; quý II đã tốt hơn quý I khi tăng 7 điểm % về lượng giao dịch bất động sản nhà ở. Các bất động sản công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy hiện nay khoảng 76%. Theo đánh giá của nhà đầu tư, giá cổ phiếu bất động sản tăng 18% và giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng tăng khoảng 39%...

“Nếu lượng hóa, có thể hình dung khoảng 30-50% khó khăn, vướng mắc chính, số dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý, thủ tục đã được tháo gỡ, tùy vào mỗi địa phương. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong thực hiện Nghị quyết 33 và các cơ chế, chính sách khác liên quan thời gian vừa qua”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.

 TS. Cấn Văn Lực. Ảnh TCDN.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rõ thị trường vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, sự phục hồi có nhưng còn chậm và chưa được như mong đợi. 7 tháng vừa qua, lượng doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa tạm thời tăng khoảng 51% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy rõ đây là thời kỳ cực kỳ khó khăn của thị trường. Do đó, kỳ vọng thị trường sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm.

Về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho biết, cơ bản có thể cảm nhận thấy không thiếu nguồn vốn, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại những thách thức, khó khăn, vướng mắc khi nhìn vào con số tổng hợp 4 nguồn vốn cho bất động sản trong 7 tháng đầu năm gồm vốn tín dụng, vốn tự có, vốn giải ngân FDI, vốn trái phiếu doanh nghiệp. Tổng lượng cung ứng ra thị trường bất động sản Việt Nam thời gian vừa qua khoảng 185.000 tỷ đồng. Nếu so với mức 400.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022 thì tương đương với 45%, tức là vốn cho thị trường bất động sản giảm 55% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do sức cầu rất yếu. Hiện nay người dân cũng rất ít vay để mua nhà, sửa nhà vì thế cho vay để mua nhà giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là nguyên nhân rất căn cơ cần được nhận diện để tháo gỡ.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.INVEST), Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, những tác động cụ thể của các chính sách, biện pháp đó đã giúp thị trường bất động sản đến giờ phút này đã bớt ảm đạm hơn, một vài chủ đầu tư đã có tín hiệu phục hồi mặc dù số doanh nghiệp bất động sản phải giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Theo số liệu thống kê trong 7 tháng đầu năm có tới 756 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua của thị trường vẫn còn kém.

Điều quan trọng là cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường, kể cả với người mua nhà và chủ đầu tư.

 

Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại các phân khúc bất động sản

Kết luận tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chiều 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Do đó, cần tiếp tục kiên trì, kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu. Trong đó, cần thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính.

Thủ tướng một lần nữa lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, thuận lợi về giao thông cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, người mua nhà ở, từ đó mới phát triển được bất động sản, đô thị…