Hà Nội: Chủ đầu tư vi phạm sẽ không được tham gia các dự án nhà ở mới
Theo đó ngày 15/11 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký văn bản số 296/KH-UBND yêu cầu không cho phép các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố.
Trên địa bàn hiện có 1.135 cụm (tòa) nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng; đã thành lập 804 ban quản trị nhà chung cư; đã có 723/804 nhà chung cư bàn giao hồ sơ cho ban quản trị, đồng thời có 567/804 nhà chung cư bàn giao kinh phí bảo trì 2%. Tuy nhiên, trong quá trình này vẫn tồn tại nhiều bất cập, như chưa giải quyết triệt để, vẫn còn các tranh chấp khiếu kiện về quỹ bảo trì, quản lý diện tích thuộc sở hữu chung, bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, chỗ để xe… phát sinh nhiều điểm nóng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn chưa thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; một số chủ đầu tư thiếu ý thức thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, kinh phí bảo trì, diện tích sở hữu chung – riêng. Một số ban quản trị còn vi phạm trong sử dụng kinh phí bảo trì, quản lý, vận hành nhà chung cư; chưa hiểu đầy đủ quy định của pháp luật về nhà ở trong từng thời kỳ cụ thể nên dẫn đến bất đồng, tranh chấp với chủ đầu tư và cư dân… UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện không cho phép các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, phức tạp, nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội liên quan đến quản lý chung cư. UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng báo cáo, xin ý kiến Bộ Xây dựng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
UBND Thành phố Hà Nội thu hồi 23 dự án
Ngày 27/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa ban hành văn bản số 8053/STNMT-TTr về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố.
Trong số 23 dự án mà UBND Thành phố đã có quyết định thu hồi đất, trên địa bàn huyện Thạch Thất có số lượng nhiều nhất, gồm 9 dự án: Dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty cổ phần An Lạc làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trường đại học tại địa bàn huyện Thạch Thất, trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn, Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư; Dự án biệt thự nhà vườn, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Như Thành; Dự án xây dựng xưởng sơ chế và lắp giáp giới thiệu sản phẩm tại huyện Thạch Thất, Công ty TNHH Thiên Hưng làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất cọc bê tông (xã Tiến Xuân), Công ty cổ phần Licogi 13 - nền móng xây dựng làm chủ đầu tư; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Sunny light (xã Yên Bình), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Ánh Dương; Dự án Khu nhà ở cho cán bộ giáo viên, do trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ (xã Tiến Xuân), do Công ty TNHH Thương mại Tuổi trẻ làm chủ đầu tư.
Tiếp đó là huyện Mê Linh gồm 4 dự án: Dự án khu đô thị mới BMC (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại; Khu đô thị mới Prime Group – Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Prime Group; Dự án khu đô thị mới Việt Á (xã Thanh Lâm), Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư; Dự án khu đô thị mới Vinalines (xã Đại Thịnh – Thanh Lâm – Tráng Việt), Công ty cổ phần Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư; Ngoài ra, một số địa bàn khác cũng có dự án chậm triển khai bị UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất, gồm: Dự án cải tạo xây dựng Tòa nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành; Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh khai thác chợ lâm sản Thượng Cát, phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), do Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án bãi đỗ xe tĩnh, khu đất bãi sông Hồng, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), Công ty cổ phần Xây dựng và hỗ trợ phát triển vận tải Phúc An làm chủ đầu tư.
Dự án khu dịch vụ và đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hòa và văn phòng làm việc, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Công ty cổ phần thương mại dịch vụ và đầu tư Phú Hòa làm chủ đầu tư; Dự án trụ sở làm việc, Số 150, ngõ 72 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Công ty cổ phần xây lắp và sản xuất công nghiệp làm chủ đầu tư; Dự án Mở rộng, nâng cấp Viện di truyền nông nghiệp, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), Viện Di truyền nông nghiệp làm chủ đầu tư. Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng, số 162 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), chủ đầu tư là Hợp tác xã Công nghiệp Thăng Long; Trụ sở giao dịch và khách sạn, số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa), chủ đầu tư là Công ty TNHH Việt Anh; Dự án Nam Đoàn Plaza, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí Viễn thông làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trụ sở Đại sứ quán (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), Đại sứ quán Vương quốc Ả rập Xê út làm chủ đầu tư.