(DNVN) - Hoạt động thương mại xuyên biên giới đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với các cơ quan thuế. Nếu không thể đánh thuế hoặc đánh thuế không đầy đủ những doanh nghiệp này sẽ gây thất thu lớn ngân sách và tạo môi trường cạnh tranh thiếu công bằng với các doanh nghiệp trong nước.
Dưới tác động của công nghệ, nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới đã thay đổi chóng mặt, tạo ra những dịch vụ xuyên biên giới ngày càng nở rộ. Các doanh nghiệp công nghệ có thể tạo ra doanh thu trên lãnh thổ của nhiều quốc gia, thế nhưng lại không phải nộp thuế tại quốc gia đó.
Điển hình, các công ty thương mại dịch vụ xuyên biên giới như Facebook hay Google đã phát triển mạnh mẽ trong những thập niên vừa qua. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, số lượng tài khoản sử dụng Facebook, Google đã đạt hơn 100 triệu, trong đó, Facebook đạt khoảng 70 triệu và Google đạt gần 40 triệu tài khoản. Do đó, Việt Nam cùng nhiều nước khác trên thế giới đang phải đối mặt với thách thức lớn trong công tác quản lý thuế. Một mặt phải bảo đảm nguồn thu đóng vào ngân sách quốc gia, mặt khác tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, thu thuế thương mại, dịch vụ xuyên biên giới là thách thức của hầu hết các quốc gia hiện nay. Bởi để có thể thực hiện được việc đánh thuế đối với các hoạt động thương mại và dịch vụ xuyên biên giới, cần xác định được hai yếu tố. Đó là giá trị sản phẩm bị đánh thuế và đối tượng bị đánh thuế.
Trong khi đó, các công ty công nghệ đang cung cấp một loại “hàng hóa vô hình” qua môi trường Internet. Hiện tại, chưa có quốc gia nào có thể kiểm soát được loại hình giao dịch đó. Không có rào cản nào cho việc phân phối, không đơn vị hải quan nào kiểm soát được hoàn toàn. Cách duy nhất là cấm Internet, nhưng giải pháp này là bất khả thi.
Cùng với đó, việc xác định đối tượng chịu thuế trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới rất khó thực hiện và phức tạp. Trong trường hợp của Facebook, người dùng tạo ra dữ liệu giá trị, tuy nhiên đánh thuế người dùng là điều bất hợp lý. Do đó Việt Nam cần cân nhắc kĩ càng khi thiết lập hàng rào thuế quan với loại hàng hóa “vô hình” này, đặc biệt đối với “ông lớn” như Google hay Facebook. Nếu các công ty công nghệ lớn ngừng cung cấp dịch vụ thì chúng ta sẽ là bên chịu thiệt.
Các hoạt động thương mại xuyên biên giới đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các cơ quan thuế. Đó là sự thay đổi cơ bản về cách thức xác định giá trị, đối tượng chịu thuế, đối tượng đánh thuế. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, có những xu thế không thể chống lại, Việt Nam không phải là nước duy nhất đang gặp tình trạng này. Hiện nhiều nơi trên thế giới cũng đang có những thay đổi trong chính sách thuế để thu được thuế từ những hoạt động dịch vụ khai thác sử dụng nền tảng mới của công nghệ như Singapore, Liên minh châu Âu (EU). EU đang xem xét xác định giá trị của mạng xã hội để đánh thuế (đánh thuế nguồn gốc phát sinh giá trị), đề ra các nguyên tắc đánh thuế mới và thảo luận giữa các quốc gia để phối hợp đánh thuế.
Theo ông Cường, việc xem xét có đánh thuế một hoạt động cần dựa trên việc hoạt động đó có phát sinh thu nhập hay không, có tạo ra sự thay đổi về hành vi của người tiêu dùng không và thu nhập có tới mức thu thuế hay không? Điều quan trọng là xác định ngưỡng để đánh thuế phù hợp, tránh gây tâm lý “nản” cho các startup, bởi nếu đánh thuế quá lớn thì có thể các doanh nghiệp này sẽ buông không muốn đầu tư.
Do vậy, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét cả hai mặt lợi và hại của việc thu thuế, ngưỡng giá trị giao dịch nào thì bắt đầu thu thuế?. Cũng như cần làm rõ khái niệm các ngành, dịch vụ thay đổi do tác động của công nghệ buộc việc đánh thuế không thể thực hiện đơn lẻ mà đòi hỏi sự phối hợp giữa các ngành, các quốc gia (do tính chất xuyên biên giới của dịch vụ).
Từ góc độ kinh tế vĩ mô, TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế nhận định, không nên quá suy tính về khoản thuế này, bởi xét về thu thuế chúng ta có cảm giác bị thiệt, nhưng xét trên tổng thể nền kinh tế thì chưa hẳn. Nhiều doanh nghiệp và người dân Việt Nam hưởng lợi từ các nền tảng công nghệ mới và các giao dịch xuyên biên giới này. Thu nhập của nhiều người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam tăng lên cũng có nghĩa là cơ quan thuế có thể thu được nhiều thuế hơn. Do đó, theo tôi nghĩ, nên nhìn từ khía cạnh khác, đặc biệt từ việc cải thiện môi trường kinh doanh triệt để, từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh tốt và thuế sẽ trở về với ngân sách Việt Nam.
Việc đánh thuế dịch vụ xuyên biên giới là rất khó khăn. Các quốc gia trên thế giới, cụ thể là Liên minh châu Âu cũng phải ngồi lại cùng nhau để tìm ra giải pháp. Do đó, Việt Nam cũng cần các giải pháp vĩ mô, có tầm nhìn dài hạn để thu thuế, đồng thời tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp.