Kinh tế Mỹ 2019: Thâm hụt ngân sách lớn nhất kể từ năm 2012
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/10 cho biết, Chính phủ nước này đã kết thúc tài khóa 2019 với khoản thâm hụt ngân sách lớn nhất trong bảy năm qua, do các khoản thu từ thuế không đủ bù đắp chi phí trả nợ công và chi tiêu gia tăng.
Theo Bộ trên, các số liệu phản ánh tài khóa đầy đủ thứ hai dưới thời Tổng thống Donald Trump được đưa ra vào thời điểm nước Mỹ tiến hành các biện pháp tăng thuế cùng với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong 50 năm qua.
Trong tài khóa 2019, thâm hụt ngân sách của Mỹ lên tới 984 tỷ USD, chiếm 4,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của tài khóa 2018 là 779 tỷ USD, tương đương 3,8% GDP. Tổng thu từ thuế tăng 4% song tổng mức chi tiêu tăng 8,2%.
Thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt mức đỉnh là 1.400 tỷ USD vào năm 2009 khi Chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama tiến hành các biện pháp khẩn cấp để củng cố hệ thống ngân hàng quốc gia nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và kích thích nền kinh tế đang trên đà suy thoái.
Thâm hụt ngân sách hằng năm giảm xuống mức 585 tỷ USD vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Obama và các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã chỉ trích ông Obama vì không làm giảm mức thâm hụt ngân sách thêm nữa.
Cuối tài khóa 2019, các khoản trả thuế doanh nghiệp tăng 5%. Thuế hải quan, vốn chịu tác động của cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Trump phát động nhằm vào Trung Quốc và các nước khác đã tăng 70% bình quân hằng năm.
Kinh phí dành cho các chương trình chi tiêu quốc phòng, y tế và an sinh xã hội cũng gia tăng.
Hiện nay, dân số Mỹ đang già hóa và các nhà kinh tế cảnh báo rằng chi phí bắt buộc dành cho an sinh xã hội và y tế cũng như các chương trình hưu trí liên bang cho người cao tuổi sẽ không bền vững.
Trước đó trong năm 2019, Quốc hội Mỹ đã thông qua một thỏa thuân ngân sách trong hai năm nhằm tăng ngân sách liên bang cho các chương trình quốc phòng và đối nội khác.
Thâm hụt ngân sách gia tăng nảy sinh từ việc trả lãi cho các khoản nợ công. Các khoản vay tiếp tục gia tăng trong năm 2019.
Hồi tháng 9/2019, Chính phủ Mỹ đã ghi nhận mức thặng dư ngân sách 83 tỷ USD, giảm 31% so với tháng 9/2018, trong khi đó, tổng chi là 291 tỷ USD, và tổng thu từ thuế là 374 tỷ USD, tương ứng với các mức tăng 30% và 9% so với cùng kỳ năm 2018.
Cùng ngày, tại thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nhóm họp vào tuần tới nhằm đưa ra chính sách tài chính đảm bảo kinh tế Mỹ tăng trưởng, có nhiều đồn đoán rằng nhiều khả năng cơ quan này sẽ tiếp tục cắt giảm suất.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 8/10 đã để ngỏ khả năng Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất để ứng phó những rủi ro kinh tế toàn cầu, đồng thời nhắc lại rằng cơ quan này sẽ hành động phù hợp, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sớm lấy lại đà tăng trưởng khởi sắc.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Kinh tế-Kinh doanh Quốc gia Mỹ, ông Powell cho biết việc diễn ra những giai đoạn "giảm tốc" trong một thời gian tăng trưởng kéo dài là điều bình thường.
Ông Powell lưu ý nền kinh tế Mỹ đang đã trải qua diễn biến tương tự như 2 lần trước trong thập niên 1990 và chỉ lấy lại được tăng trưởng sau khi Fed cắt giảm lãi suất vài lần.
Sau hai lần cắt giảm lãi suất của Fed kể từ đầu năm 2019 đến nay, góp phần hỗ trợ triển vọng việc làm và lạm phát, ông Powell cho biết kinh tế Mỹ “có thể duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới.”
Bên cạnh đó, ông Powell lưu ý rằng những điều chỉnh số liệu mới đây cho thấy mức tăng trưởng việc làm thấp hơn trong giai đoạn từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019 so với ước tính trước đó, khiến thị trường việc làm chuyển từ trạng thái tăng trưởng mạnh mẽ sang tăng trưởng vừa phải.
Những số liệu kinh tế khác, bao gồm sự suy giảm trong lĩnh vực chế tạo, càng làm dấy lên nhận định rằng đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại.
Theo Giám đốc đầu tư Jason Ware của Albion Financial Group tại Salt Lake City, Utah (Mỹ), dường như ông Powell đang cố gắng chứng minh với thị trường rằng Fed tiếp tục nhận thức được các rủi ro suy giảm và đang sẵn sàng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế nếu cần.
Giới giao dịch dự đoán khả năng Fed cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm 2019 tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày 29-30/10 là 80% và khả năng cắt giảm lãi suất lần thứ tư vào tháng 12/2019 là 40%.
Trong khi đó, theo ông Powell, Fed sẽ dựa trên các số liệu kinh tế, đánh giá triển vọng và những rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ qua từng cuộc họp và khi những rủi ro trên toàn cầu xuất hiện, Fed sẽ hành động thích hợp để hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Điều này đã khiến một số nhà quản lý quỹ trái phiếu chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản, như một kênh đầu tư an toàn, tránh rủi ro từ đầu tư trái phiếu ngắn hạn.
Có nhiều thông tin cho rằng lãi suất ngắn hạn của Mỹ sẽ lần đầu tiên được điều chỉnh về gần mức 0% kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát vừa công bố của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE), Ủy ban Khảo sát Triển vọng của NABE dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ chậm lại mức 2,3% trong năm 2019 và sau đó xuống 1,8% năm 2020, với sự không chắc chắn trong chính sách thương mại là một trong những rủi ro đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chủ tịch NABE đồng thời là nhà kinh tế trưởng của KPMG, ông Constance Hunter, cho biết Ủy ban trên nhận định kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020, nhưng tốc độ sẽ đạt dưới 2% lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Cuộc khảo sát trên, được tiến hành từ ngày 9/9 đến ngày 16/9, đưa ra dự báo chung của Ủy ban gồm 54 nhà kinh tế./.