Lãnh đạo Vietcombank dẫn số liệu làm rõ không hạn chế cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS

Đông Bắc 15:56 | 17/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, ngày 17/2, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank khẳng định thời gian qua không hạn chế hay điều kiện gây khó khăn với lĩnh vực bất động sản.

Chất lượng tín dụng lĩnh vực BĐS tại VCB ổn định, trong khả năng kiểm soát

Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong năm 2022, tín dụng đối với bất động sản (BĐS) của toàn ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế với dư nợ ở mức 2,58 triệu tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022, tăng khoảng 24,3% so với thời điểm cuối năm 2021.

Về phía VCB, lĩnh vực BĐS có định hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào BĐS phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, BĐS để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng.

Tại VCB, lĩnh vực BĐS được chia thành 4 phân khúc và đối với từng phân khúc khác nhau, Vietcombank đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho từng phân khúc khách hàng cũng như phân khúc sản phẩm trên thị trường; thực hiện rà soát, cập nhật kịp thời theo triển vọng, mức độ rủi ro đối với từng nhóm tiểu ngành nhằm hỗ trợ kịp thời đối với các khách hàng trong từng lĩnh vực BĐS.

Cụ thể, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tại VCB tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của VCB. Với số liệu về tăng trưởng tín dụng BĐS trong năm qua như đã báo cáo, có thể khẳng định về phía VCB không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.

Đối với các phân khúc BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất, đây là phân khúc BĐS luôn được VCB ưu tiên cấp tín dụng nhằm góp phần đóng góp vào sự phát triển KTXH của các địa phương và toàn quốc. Trong năm 2022, dư nợ BĐS thuộc phân khúc này đã tăng hơn 4 lần so với 31/12/2021. Trong thời gian tới, VCB định hướng mở rộng cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc BĐS nói trên.

Đối với lĩnh vực BĐS khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng và BĐS văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại, trong thời gian qua, để hạn chế các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, VCB đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời; Áp dụng lãi suất ưu đãi đối với với các khoản vay mới, hạ lãi suất đối với các khoản vay hiện hành; Cho vay mới để duy trì, tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ khách hàng trong các phân khúc này vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phục hồi, phát triển.

Về định hướng tín dụng đối với tiểu ngành BĐS này, VCB định hướng cấp tín dụng có chọn lọc (tập trung vào các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và khả năng tổ chức triển khai tốt) và sẽ xem xét điều chỉnh định hướng kịp thời khi thị trường khởi sắc hơn.

Đối với BĐS đất ở, nhà ở, tại VCB hơn 90% là dư nợ đối với tiểu ngành này là cho vay khách hàng cá nhân.

Đối với khách hàng cá nhân, VCB định hướng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch... VCB định hướng duy trì tài trợ đối với dự án đầu tư thuộc phân khúc BĐS đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân.

Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Nói thêm về chất lượng cấp tín dụng của VCB đối với lĩnh vực BĐS, TGĐ VCB khẳng định tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS tại VCB luôn duy trì ở mức dưới 1%. Chất lượng tín dụng lĩnh vực BĐS ổn định, trong khả năng kiểm soát.

Cần đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường 

Về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay BĐS, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, sự thay đổi về văn bản pháp lý, chính sách quy định liên quan qua các thời kỳ, cũng như thực tế phát sinh một số dự án đã được cấp phép (phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...) nhưng vẫn bị thu hồi dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, tăng chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Trong mối tương quan với các nước trong khu vực, giá nhà đất tại Việt Nam hiện đang ở mức cao so với thu nhập của phần đông người dân, chưa phù hợp với phần đông người mua cuối cùng để ở; việc lựa chọn phân khúc để đầu tư chưa hợp lý dẫn đến dư cung tại các phân khúc cao cấp nhưng thiếu đối với phân khúc bình dân; tồn tại hiện tượng đầu cơ lướt sóng BĐS... ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường BĐS nói chung và hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS nói riêng.

Ngoài nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và vốn huy động từ người mua, đối với nhu cầu vốn còn lại, các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS hiện chủ yếu dựa vào phát hành trái phiếu – đây là nguồn huy động vốn thích hợp cho BĐS. Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều tồn tại dẫn đến rủi ro thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp tục huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS qua kênh này, tác động lớn tới khả năng phát triển và hoàn thiện các dự án BĐS.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ có giải pháp nhanh chóng ổn định và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu nhằm góp phần tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường BĐS, đồng thời giảm áp lực cung ứng vốn từ kênh tín dụng.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động cấp phép cho các dự án bất động sản, bảo đảm tính đồng bộ trong các văn bản, quy định nhằm hạn chế các rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong hoạt động của thị trường BĐS nói chung và hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực BĐS nói riêng.

Kiến nghị đối với các Bộ, ngành, địa phương: Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý, đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các dự án, có các giải pháp hỗ trợ khơi thông các vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính và khuyến khích phát triển sản phẩm tiếp cận người mua thực có mức giá bán hợp lý. Từ đó góp phần ổn định thị trường BĐS, cải thiện niềm tin của các chủ thể tham gia (doanh nghiệp phát triển dự án, người mua nhà...) cũng như giảm thiểu các rủi ro, khó khăn vướng mắc trong hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực BĐS.

Đối với các doanh nghiệp BĐS, TGĐ Vietcombank cho rằng, tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Về phía các ngân hàng thương mại (NHTM), theo ông Tùng, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các NHTM luôn tích cực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho các ngành nghề, lĩnh vực gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai... thông qua các giải pháp như cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn/giảm lãi suât cho vay, phí giao dịch...

Về phía VCB, ngay từ đầu năm 2023, VCB đã thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu tại VCB (với quy mô hơn 2 tổng dư nợ tại VCB được giảm lãi suất cho vay). VCB tiếp tục giảm toàn bộ các phí giao dịch trực tuyến cho các khách hàng thể nhân trong năm 2023.

Đối với lĩnh vực BĐS, để giải quyết nhu cầu vay vốn để mua nhà để ở của người dân, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, VCB cam kết sẽ tích cực đồng hành cùng 3 NHTM Nhà nước khác triển khai Gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc bình dân phù hợp với khả năng và nhu cầu của phần đông người dân.

Thống đốc NHNN: Doanh nghiệp BĐS cần chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kiểm soát dòng lưu chuyển tiền tệ

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tham dự Hội nghị. Ảnh VGP.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian qua, áp lực lớn đối với vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản không phải do điều hành tín dụng mà do những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Do doanh nghiệp phát hành trái phiếu để phát triển bất động sản nhưng chọn điều kiện phát hành dễ và không quản lý tốt dòng tiền nên bị động khi sự cố xảy ra.

"Về giải pháp, doanh nghiệp cần có bộ phận theo dõi, đánh giá, tổng hợp, dự báo tình hình để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh để không bị động, không nên đầu tư dàn trải, tới 50 dự án cùng lúc", NHNN đánh giá.

 Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng doanh nghiệp phải chú trọng việc xây dựng kế hoạch, kiểm soát, theo dõi dòng chu chuyển tiền tệ để có giải pháp chủ động không để lâm vào tình trạng bị động, tắc nghẽn dòng tiền... Ngoài ra cần đẩy mạnh cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng lực tài chính.

"Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục dành vốn tín dụng cho dự án đủ điều kiện pháp lý, dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Đồng thời kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với bất động sản cao cấp, không có nhu cầu thực, kinh doanh đầu cơ, làm giá...", bà Hồng cho hay.