Loạt dự án BĐS tổng giá trị 280.000 tỷ đồng sắp được khởi công ngay trong tháng 10 tại Quảng Ninh
4 dự án này gồm: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; sân golf Đông Triều; nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh và bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1). Các nguồn tin cũng cho biết thêm, thời điểm hiện tại các dự án đã đủ điều kiện để khởi công, xây dựng.
Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh
Đây là dự án được đảm nhận bởi những cái tên quen thuộc là Liên danh Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần Vinhomes thực hiện. Mức đầu tư lớn nhất trong 4 đại dự án trên với con số 232.369 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD).
Được quy hoạch trên một phần diện tích đất thuộc TP. Hạ Long và TX. Quảng Yên, tiếp giáp với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu đô thị này trong tương lai được kỳ vọng trở thành khu phức hợp đa năng, gắn với khu nghỉ dưỡng sinh thái, sân golf, dịch vụ... đồng thời mang diện mạo đô thị mới, độc đáo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và khai thác được tiềm năng, thế mạnh giáp biển nơi dự án được xây dựng.
Tính đến tháng 7/2021, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao 60% đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh. Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết đẩy nhanh tiến độ để bàn giao phần còn lại vào cuối năm.
Mới đây, trong một diễn biến liên quan thì Vingroup tiếp tục đề xuất làm dự án công viên rừng rộng 650ha tại Hạ Long. Dự án sẽ nằm đối diện với dự án khu phức hợp Hạ Long Xanh.
Dự án có mục tiêu xây dựng một khu công viên rừng công cộng để người dân địa phương và khách du lịch có thêm điểm dừng chân, nghỉ ngơi với môi trường xanh sạch đẹp, đồng thời tạo cảnh quan đẹp nổi bật, đồng bộ với dự án khu phức hợp Hạ Long Xanh và tương xứng với cảnh quan thiên nhiên của Vịnh Hạ Long.
Vingroup đề xuất khởi công thực hiện dự án công viên rừng Hạ Long này trong năm 2022 và hoàn thành trong năm 2023.
Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh
Cũng được khởi công tháng 10 là dự án Điện khí với tổng quy mô 1.500 MW, với tổng chi phí thực hiện dự kiến là 47.350 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 55,89 ha (bao gồm 13,38 ha mặt nước). Dự tính thời gian hoạt động khoảng 50 năm kể từ khi được giao/thuê đất.
Hiện tại, dự án vẫn đang trong quá trình tuyển chọn nhà đầu tư. Dưới đây là một số yêu cầu để nhà đầu tư có thể ghi danh thực hiện dự án này.
Đầu tiên, ohải thu xếp vốn chủ sở hữu tối thiểu 7.122 tỷ đồng (tương đương 299,7 triệu USD). Vốn nhà đầu tư phải huy động từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối đa là 40.358 tỷ đồng (tương đương 1.698,3 triệu USD). Trường hợp liên danh, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.
Về năng lực kinh nghiệm, nhà đầu tư phải có tối thiểu 1 dự án trong lĩnh vực sản xuất điện khí (tự nhiên hoặc LNG) đã tham gia với vai trò góp vốn chủ sở hữu. Hoặc có tối thiểu 2 dự án trong lĩnh vực sản xuất điện khí (tự nhiên hoặc LNG) mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính thực hiện các gói thầu xây lắp. Hoặc có tối thiểu 3 dự án trong lĩnh vực sản xuất điện khí (tự nhiên hoặc LNG) mà đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính thực hiện các gói thầu xây lắp.
Hồ sơ mời thầu của UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: nhà đầu tư phải có đầy đủ các cam kết khi thực hiện Dự án. Cụ thể, nhà đầu tư phải cam kết không khiếu kiện trong trường hợp thay đổi, điều chỉnh các nội dung yêu cầu đối với nhà đầu tư hoặc hủy bỏ kết quả lựa chọn nhà đầu tư vì lý do an ninh quốc phòng và phải thành lập doanh nghiệp địa phương, thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật...
Đáng chú ý, Nhà đầu tư không được mua bán, chuyển nhượng Dự án dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian triển khai Dự án đầu tư đến khi đưa Nhà máy vào vận hành và phát điện thương mại, trường hợp vi phạm thì thu hồi Dự án mà không bồi thường và phải đảm bảo tiến độ dự án đến quý 3/2027...
Dự án cũng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Theo Báo Đấu thầu, cuối năm 2020, Tổ hợp nhà đầu tư bao gồm: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi), Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni đã cùng ký biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.
PV Power là nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành kho cảng LNG và nhà máy điện.
Colavi là nhà đầu tư có địa chỉ tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, chuyên thực hiện các dự án EPC, EP, PC, BOO trong lĩnh vực công nghệ tuyển khoáng sản, vận chuyển bằng băng tải, chế tạo kết cấu thép phi tiêu chuẩn, lắp máy...
Về phía 2 nhà đầu tư từ Nhật Bản, Tập đoàn Tokyo Gas là nhà cung cấp khí hóa lỏng chính cho nhiều thành phố lớn ở Nhật Bản. Tháng 8/2016, Công ty Tokyo Gas Asia (công ty 100% vốn chủ sở hữu của Tokyo Gas) cùng 2 doanh nghiệp tại Việt Nam đã thành lập Công ty LNG Vietnam có vốn điều lệ 100 tỷ đồng nhằm phân phối khí hỏa lỏng cho các khách hàng lớn như EVN.
Về phía Tập đoàn Marubeni, nhà đầu tư này từng đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kế hoạch xây dựng tại tỉnh này một nhà máy điện khí LNG với diện tích đề xuất là 200 ha, tổng công suất 4.800 MW.
Sân golf 27 lỗ tại thị xã Đông Triều
Dự án được quy hoạch trên diện tích 130ha, có khả năng phục vụ khoảng 800 khách/ngày. Trong đó, diện tích quy hoạch sân golf rộng 128,72ha, còn lại là hạ tầng giao thông. Các công trình phụ kèm theo sẽ gồm: khu nhà lưu trú thấp tầng, khu khách sạn cao tầng, sân tập golf, hạ tầng cây xanh, cảnh quan, khu vui chơi giải trí, không gian nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp…
Dự án đứng đằng sau bởi Công ty Cổ phần sân golf Silk Path làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 740,5 tỷ đồng.
Vào hồi đầu năm 2021, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, CTCP sân golf Silk Path cho biết: Cảm hứng ý tưởng thiết kế dự án được xây dựng dựa trên ý tưởng về 8 đời vua nhà Trần. Thông qua quá trình nghiên cứu cùng tư liệu lịch sử, Công ty Cổ phần sân golf Silk Path muốn lưu giữ nét văn hoá đặc sắc về triều đại nhà Trần một cách hiện đại và đầy tinh tế. Doanh nghiệp khẳng định rằng dự án là kết quả tổng hoà giữa nét truyền thống và hiện đại thông qua những đường phối hợp lẫn trong mọi góc cạnh. Từ đó, tạo nên sự hứng thú trong việc khám phá văn hóa lịch sử đến từ bạn bè quốc tế mà vẫn mang đậm cảm giác trở về vùng đất thiêng trong từng người con Việt Nam.
Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1)
Dự án cũng thuộc danh sách được khởi động đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong tháng 10. Bến cảng được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển tại khu vực Cửa khẩu Móng Cái. Dự án là tiền đề để hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng logistics gắn liền với chuỗi dịch vụ hậu cần cảng: Vận tải - kho bãi - cảng biển với mô hình vận tải đa phương thức, nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Móng Cái.
Vào hồi tháng 9, Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung bến cảng tổng hợp Vạn Ninh vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bến cảng dự kiến có vốn đầu tư 2.248,5 tỷ đồng, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 20.000 DWT này sẽ được đưa vào khai thác trong quý IV/2023. Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP. Móng Cái cho biết, hiện nay mặt bằng của dự án đã có sẵn, không cần phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, rất thuận lợi cho việc triển khai xây dựng.
Cũng trong tháng 9, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản báo cáo bộ GTVT về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng tổng hợp Vạn Ninh đón được tàu 20.000 DWT do UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất. Cơ quan nhấn mạnh bến cảng sẽ là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I).
Do đó, Cục đề nghị cơ quan chức năng địa phương rà soát kỹ quy mô, tổng vốn đầu tư và các nội dung liên quan đến dự án, đảm bảo phù hợp với quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp quy định pháp luật hiện hành. Sau khi nhận được sự ủng hộ từ Cục, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư, trong đó dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1).
Trong cuộc họp kiểm tra tiến độ dự án này vào hôm 25/9, theo báo cáo của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, nhà đầu tư đều quyết tâm khởi công, khởi động 4 dự án vào cuối tháng 10/2021.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh việc khởi công 4 dự án trọng điểm này trong tháng 10 là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của địa phương trong thực hiện mục tiêu kép: "Vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội". Bên cạnh đó, đây cũng là dịp ý nghĩa để chào mừng kỷ niệm 58 năm Ngày Thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2021).