Luật Đất đai (sửa đổi): Khả năng tiếp cận đất đai của cá nhân, tổ chức nước ngoài vẫn còn hạn chế

Di Anh 14:44 | 24/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo VARS, Luật Đất đai 2024 không bổ sung "cá nhân nước ngoài" là chủ thể có quyền sử dụng đất gắn với nhà ở được sở hữu tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở. Không có cơ chế cho phép doanh nghiệp FDI được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng dự án lại không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất; chưa có quy định về cách thức giao đất cho doanh nghiệp FDI...

Tại Luật Đất đai (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua ngày 18/1, vấn đề quyền tiếp cận đất đai cho Việt kiều đã được mở rộng. Cụ thể, quy định về người sử dụng đất tại Luật Đất đai 2013 có bao gồm trường hợp "người Việt Nam định cư ở nước ngoài".

Luật Đất đai 2024 vẫn giữ nguyên nội dung này, đồng thời bổ sung trường hợp "người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài". Theo Luật quốc tịch Việt Nam 2008, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Với luật mới, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở.

Đồng thời, nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng được Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.

Ảnh minh họa: Hạ Vũ.

Ước tính của Bộ Ngoại giao cho thấy, lực lượng người Việt ra nước ngoài làm việc khoảng 130.000 - 150.000 người mỗi năm. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Luật Đất đai mới mở rộng quyền tiếp cận đất đai cho Việt kiều, kỳ vọng sẽ thu hút thêm được một lượng kiều hối. Yếu tố này cùng với các tín hiệu tích cực khác như lãi suất giảm dần, room tín dụng mở rộng... sẽ thúc đẩy sự luân chuyển dòng vốn trên thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng lực lượng Việt kiều có tài sản lớn, có thêm sự tham gia của họ sẽ giúp thị trường bất động sản có động lực tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), vẫn cần có thêm sự thống nhất hơn giữa Luật Đất đai mới với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua hồi cuối tháng 11/2023.

"Bên cạnh những nội dung mới có tác động tích cực tới thị trường BĐS, VARS nhận thấy Luật Đất đai 2024 vẫn tồn tại một số bất cập, chưa thực sự đồng bộ với Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Một trong số đó là thiếu linh hoạt trong việc tiếp cận đất đai cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Cụ thể, Luật Đất đai 2024 không bổ sung "cá nhân nước ngoài" là chủ thể có quyền sử dụng đất gắn với nhà ở được sở hữu tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở. Không có cơ chế cho phép doanh nghiệp FDI được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng dự án lại không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất; chưa có quy định về cách thức giao đất cho doanh nghiệp FDI...", VARS cho hay.

Mặc dù đến năm 2025 luật mới chính thức có hiệu lực nhưng đơn vị này kỳ vọng các quy định mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ góp phần tiếp thêm niềm tin cho thị trường. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông các dự án ách tắc, bổ sung nguồn cung mới nhằm kéo giảm giá nhà, giúp người dân đến gần hơn với giấc mơ an cư.

VARS kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản, Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để đảm bảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi có hiệu lực.