Ngân hàng giảm lãi suất, thị trường bất động sản sẽ phục hồi sớm hơn dự kiến?
Ngân hàng Nhà nước sẽ còn giảm lãi suất?
Ngày 12/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố lạm phát chạm đáy 2 năm, thấp hơn nhiều so với dự đoán. Điều này làm dấy lên niềm tin trong giới đầu tư rằng, chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc.
Từ sự kiện trên, các chuyên gia dự báo, với diễn biến lãi suất điều hành của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới, cộng với tình hình kinh tế và lạm phát hiện nay, Ngân hàng nhà nước (NHNN) có thể sẽ giảm thêm một đợt lãi suất điều hành vào cuối năm nay.
Từ đầu năm nay đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong khi lạm phát Mỹ vẫn còn nóng, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Lãnh đạo NHNN cho hay, thời gian tới, cơ quan này sẽ giảm thêm lãi suất điều hành nếu có điều kiện. Nếu không giảm lãi suất điều hành, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay thêm nữa.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Chính phủ tổ chức tuần qua, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng, lãi suất điều hành trong nước sẽ tiếp tục giảm từ 4,5% xuống 4% vào quý 4/2023 và có thể giảm về 3,5% trong năm 2024 đầu 2025. Còn Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6%/năm vào cuối năm 2023. Việc giảm lãi suất cho vay có thể xuất hiện rõ rệt trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các NHTM đang giảm.
Đến thời điểm hiện tại, mức lãi suất huy động quay trở về thời điểm đầu năm 2022 tức tỷ suất lợi nhuận ngân hàng không còn hấp dẫn. Giới đầu tư kỳ vọng, dòng tiền này sẽ chuyển hướng đổ vào lĩnh vực địa ốc, nhất là khi giá đất, nhà cơ bản đã giảm khá sâu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định, BĐS vẫn là kênh đầu tư ưa thích, phù hợp với thói quen tích lũy tài sản, khả năng bảo toàn vốn khá tốt so với các kênh đầu tư khác. Nếu đà giảm lãi suất cho vay và huy động tiếp tục trong các tháng tới đây, dòng tiền từ ngân hàng sẽ quay trở lại thị trường để tìm kiếm những kênh đầu tư tiềm năng, đem lại lợi nhuận hơn gửi tiết kiệm.
“Tính trong năm 2022, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức và cá nhân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm gần 900.000 tỷ đồng. Quý 3/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Nếu lãi suất huy động và lãi vay tiếp tục giảm, khả năng cao là dòng tiền đáo hạn sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường nhà đất”, ông Đính nhận định.
Ngân hàng đã 'bơm' bao nhiêu tiền vào bất động sản?
Bộ Xây dựng cho biết, về mặt bằng lãi suất, đã cơ bản ổn định. Lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,13%/năm, giảm khoảng 0,35% so với cuối năm 2022.
Lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 9,07%/năm, giảm khoảng 0,9%/năm so với cuối năm 2022.
Về cơ cầu lại thời hạn trả nợ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cầu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Đến ngày 31/5, có 17 ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng với số dư nợ gốc và lãi suất được cơ cấu là 14.340 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành, thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng tổ chức tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng hợp lý; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng, an toàn, hiệu quả; góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đến ngày 31/5, tín dụng tăng 3,29% so với cuối năm 2022, tăng 10,25% so với cùng kỳ năm trước.
Về nguồn vốn từ phát hành trái phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực bất động sản trong quý 2/2023 có sự biến động đáng kể vào tháng 6/2023 với 13 đợt phát hành riêng lẻ, tổng giá trị 8.170 tỷ đồng với mức lãi cao so với mặt bằng chung 12-14%, tăng mạnh so với tháng 5. Đáng chú ý, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào các ngành nghề kinh tế đều giảm nhẹ, riêng bất động sản ghi nhận giảm sút mạnh nhất, với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước, mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng thu hút đầu tư.
Thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục
Chia sẻ tại Hội nghị đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Chính phủ tổ chức tuần qua, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết: “Có thể nói, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần phục hồi từ tháng 5 đến nay”.
Để củng cố nhận định trên, vị chuyên gia cho biết, lượng giao dịch bất động sản nhà ở trong quý II/2023 tốt hơn quý I. Không chỉ vậy, theo đánh giá của nhà đầu tư, giá cổ phiếu ngành địa ốc đã tăng 18% và giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng tăng 39%...
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng thẳng thắn cho rằng, sự phục hồi của thị trường còn chậm. Nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, sức cầu yếu và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường địa ốc sẽ phục hồi, phát triển lành mạnh, minh bạch và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III/2024. Còn từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn sẽ ở trong giai đoạn trầm lắng.
“Đối với căn hộ chung cư, phân khúc này chỉ có thể phục hồi từ giữa năm 2024 nếu các khó khăn sớm được tháo gỡ, cải thiện”, báo cáo của Hiệp hội cho biết.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, trong giai đoạn nền kinh tế còn đang khó khăn, việc thị trường bất động sản trầm lắng là điều tất yếu. Thậm chí, nếu tình hình trở nên sôi động, thị trường khi đó có thể nảy sinh nhiều vấn đề.
“Tại thời điểm tháng 2/2023, thị trường bất động sản đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Rất nhiều doanh nghiệp có tên tuổi gặp khó khăn, nhiều dự án dở dang, không ít doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản…”, ông Hoàng Văn Cường bình luận.
Tuy nhiên, vị giáo sư cho biết với những hành động của Chính phủ từ các nghị quyết kịp thời, diện mạo của thị trường đã hoàn toàn thay đổi. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất thông qua sàn chứng khoán khi nhiều mã bất động sản đang đứng đầu danh sách tăng giá.