Lãi suất huy động không quá 9,5%/năm

Đông Bắc 09:01 | 17/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước việc một số đơn vị đẩy lãi suất huy động lên 11-12% một năm, Hiệp hội ngân hàng đề xuất mức lãi (gồm cả phần khuyến mại) cao nhất chỉ 9,5% và được các nhà băng ủng hộ.

 

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức cuộc họp bàn với các ngân hàng thương mại thành viên để thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Một trong những nội dung được nhắc tới nhiều nhất tại cuộc họp là vấn đề lãi suất huy động tăng mạnh thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA đánh giá, nhờ các giải pháp điều hành linh hoạt, thị trường ngoại tệ đã bớt căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng với doanh nghiệp và dân cư vẫn "rất cao", phổ biến từ 9-10% với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng huy động tới 11,5%.

 Hiệp hội ngân hàng đề xuất mức lãi cao nhất chỉ 9,5%. Ảnh minh họa - VPBank.

"Điều này gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn với cả người gửi tiền và đi vay", Tổng thư ký VNBA nhận xét. Việc tăng lãi suất huy động cũng khiến chi phí đầu vào các nhà băng tăng lên, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khó giảm lãi suất cho vay.

Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung để giữ chân khách hàng.

Trước tình hình đó, VNBA kêu gọi các hội viên là ngân hàng thương mại thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5% trên năm, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất. Điều này nhằm ổn định mặt bằng huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống.

Trước lời kêu gọi này, đại diện các tổ chức tín dụng cho biết thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất giới hạn trần lãi suất huy động ở mức 9,5%.

Dù vậy, một số công ty tài chính cũng kiến nghị không "áp trần" lãi suất. Theo đại diện Công ty Tài chính Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), Công ty Tài chính Bưu Điện (PTF), do đặc thù công ty tài chính không được phép huy động vốn dân cư mà chỉ được huy động vốn của doanh nghiệp và các tổ chức khác nên lãi suất đầu vào cao. Các đơn vị này mong muốn Ngân hàng Nhà nước không áp trần lãi suất huy động để tạo điều kiện trong hoạt động kinh doanh.

Hiệp hội sau đó đã có văn bản báo cáo Thống đốc và kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023.

16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất từ 0,5% - 3%/năm

Để hỗ trợ nền kinh tế, sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, đã có 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.

Cụ thể, BIDV giảm lãi suất giảm 0,5- 2,5%/năm cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…

Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11. Với dư nợ phát sinh từ 1- 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.

Vietcombank giảm lãi suất tới 1% một năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu, từ 1/11 đến hết 31/12/2022. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu.

Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn phản ánh, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn còn ở mức tương đối cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng thường dao động từ 10 - 16%/năm (cho vay tín chấp), còn đối với vay thế chấp thì lãi suất dao động từ 10 - 14%/năm.

Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.

Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí huy động vốn (đầu vào) của tất cả các ngân hàng thương mại đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng năm 2022, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.