Người Trung Quốc lần đầu được vào Google, Facebook một cách hợp pháp

18:27 | 13/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong một thử nghiệm âm thầm kéo dài 2 tuần, Trung Quốc đã tạo cơ hội để hàng triệu người truy cập vào các trang web nước ngoài vốn bị cấm từ lâu tại quốc gia này như YouTube và Instagram.
Theo CNN, dù luôn nói rằng muốn mở cửa nền kinh tế với thế giới, nhưng Trung Quốc duy trì kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực công nghệ và truyền thông. Vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm đối với nhiều thương hiệu của nước ngoài, bao gồm không ít thương hiệu của Mỹ. 
 
Facebook bị cấm tại Trung Quốc kể từ tháng 7 năm 2009. Cùng chung số phận với các dịch vụ khác của Facebook, nền tảng chia sẻ hình ảnh Instagram bị chặn tại Trung Quốc từ tháng 9/2014. Tới năm 2017, ứng dụng "anh em" của Instagram là WhatApps cũng bị cấm.

Người Trung Quốc lần đầu được vào Google, Facebook một cách hợp pháp - ảnh 1
 
Bên cạnh Facebook, Instagram nhiều mạng xã hội khác không đáp ứng được chính sách kiểm duyệt nội dung cũng bị cấm tại Trung Quốc như Twitter, Snapchat, Reddit, Pinterest. Người dân Trung Quốc chỉ được sử dụng các mạng xã hội nội địa như WeChat, Sina Weibo, QQ, Renren.
 
Người Trung Quốc lần đầu được vào Google, Facebook một cách hợp pháp - ảnh 2

Năm 2006, Google từng kinh doanh tại Trung Quốc và chấp nhận bị kiểm duyệt kết quả tìm kiếm. Nhưng từ năm 2010, công cụ tìm kiếm của Google bị cấm hoàn toàn. Còn YouTube bị chặn hoàn toàn tại Quốc vào năm 2009 sau 3 lần tạm dưng trước đó. Các dịch vụ khác của gã khổng lồ Mỹ cũng bị chặn tại Trung Quốc gồm Google Play, Google Maps, Google Drive, Hangouts, Blogger.

Người Trung Quốc cũng không được tiếp cận với những nền tảng chia sẻ video như YouTube đã đành, họ cũng không được xem video trên các nền tảng như Dailymotion, Vimeo, xem game trên Twitch và không thể thuê bao xem các series phim cực hay trên Netflix. Tất cả đều bị cấm theo yêu cầu của chính phủ.

Ngoài ra, Trung Quốc đã loại bỏ thành công hàng trăm VPN (mạng riêng ảo) thường được sử dụng để vượt qua tường lửa trong suốt thời gian qua. Việc tạo ra một cổng truy cập được nhà nước cho phép để dùng Internet nhiều khả năng sẽ làm giảm tính hữu dụng của các VPN bất hợp pháp.
 
Người Trung Quốc lần đầu được vào Google, Facebook một cách hợp pháp - ảnh 3

Và điều đó có thể có tác động đối với Facebook, Microsoft, Apple hay Alphabet, những công ty chưa tiếp cận được với người dùng Trung Quốc do quy định hạn chế của nước này.

Nhưng trong một thử nghiệm âm thầm kéo dài 2 tuần gần đây, Trung Quốc đã tạo cơ hội để hàng triệu người truy cập vào các trang web nước ngoài vốn bị cấm từ lâu tại quốc gia này như YouTube và Instagram.

Cụ thể, ứng dụng trình duyệt Tuber do 360 Security Technology Inc, một đơn vị liên kết với chính phủ thành lập, đã âm thầm xuất hiện vào cuối tháng 9, cho phép người dùng lần đầu tiên truy cập vào một số trang web bị cấm như Google, Facebook… sau nhiều năm.

Nhiều người dùng Trung Quốc bày tỏ sự bất ngờ vui mừng xen lẫn lạ lẫm khi được xem trực tiếp nội dung bị chặn từ trình duyệt di động mà không cần dùng VPN (mạng riêng ảo).

Điều này dường như cho thấy chính phủ Trung Quốc đang tiến tới việc cho phép người dân có quyền truy cập nhiều hơn vào Internet toàn cầu nhưng đồng thời vẫn kiểm soát những ai đang xem gì trên mạng.

Tuber do nhà phát triển ứng dụng - ông trùm công nghệ Zhou Hongyi điều hành. Đây là ứng dụng được vận hành trên các cửa hàng ứng dụng do Huawei và một số đơn vị khác điều hành. Ứng dụng đã được tải xuống 5 triệu lượt từ cửa hàng ứng dụng của Huawei kể từ khi ra mắt. 

Theo Bloomberg, Tuber có vẻ như kiểm duyệt một số nội dung, bao gồm trên YouTube. Ứng dụng yêu cầu đăng ký số điện thoại di động để nhà phát triển có thể theo dõi hoạt động vì mọi số điện thoại sử dụng smartphone tại Trung Quốc đều được "nhận dạng". Cũng giống nhiều ứng dụng khác, Tuber yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ của người dùng.

Yik Chan Chin, nhà nghiên cứu chính sách truyền thông tại một trường đại học ở Tô Châu, cho biết, Trung Quốc phải thực sự thận trọng để cân bằng giữa việc mở cửa nhiều hơn và duy trì trật tự xã hội trong nước. Điều quan trọng nhất là phải giải phóng luồng thông tin và để người Trung Quốc tương tác nhiều hơn cũng như hiểu hơn về thế giới bên ngoài.
 
Người Trung Quốc lần đầu được vào Google, Facebook một cách hợp pháp - ảnh 4
Tỷ phú công nghệ Zhou Hongyi

Thông tin về Tuber đã lan truyền rất nhanh và tạo ra nhiều sự phấn khích của người dân. Đây là minh chứng cho sự khát khao truy cập Internet toàn cầu tại Trung Quốc.

Khả năng gần nhất, Bắc Kinh đang muốn thử nghiệm nhiều cách để 904 triệu người dùng Internet của mình tiếp cận với các trang web bị cấm. Tuy đã bị gỡ xuống mà không có lời giải thích nào vào ngày 10/10 vừa qua nhưng Tuber cho thấy đây là thử nghiệm quan trọng của Bắc Kinh nhằm hướng tới quyền tự do Internet lớn hơn.

Hiện vẫn chưa rõ liệu có cơ quan chính phủ Trung Quốc nào ra lệnh gỡ Tuber hay không. Nhân viên quan hệ công chúng của 360 Security cũng từ chối bình luận về vấn đề này.
 
Hải Yến