Thêm ngân hàng tham gia gói tín dụng cho NƠXH, tỷ lệ giải ngân ra sao?
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân ra sao?
Theo tài liệu sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Xây dựng, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó, hoàn thành 75 dự án với quy mô 39,884 căn; khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 115.379 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện nay ngoài 4 ngân hàng TMCP Nhà nước (BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank), đã có thêm Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đăng ký tham gia chương trình với 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Tuy nhiên, việc triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết, còn rất chậm. Gói này mới giải ngân được 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.200 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án, tức mới giải ngân hơn 30 tỷ đồng cho người mua nhà.
Theo Bộ Xây dựng, hết tháng 6/2024 mới có 32/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham chương trình với 73 dự án. Trong đó, một số tỉnh công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án),…
Các địa phương cần quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đảm bảo an sinh xã hội, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; nghiên cứu, quan tâm đến việc ban hành các văn bản triển khai các nhiệm vụ được giao tại Luật Nhà ở 2023.
Luật mới có hiệu lực sẽ tác động tích cực đến phát triển nhà ở xã hội
Theo Bộ Xây dựng, khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sẽ có nhiều điểm mới khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là quy định liên quan đến việc dành đất cho quỹ nhà ở xã hội. Cụ thể, Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển phân khúc nhà ở này theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt (bao gồm quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại)...
Bộ Xây dựng đánh giá, những quy định này thể hiện chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm của địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trên thực tế.
Mới đây, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo Chỉ thị này, cả nước phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị. Bên cạnh đó là phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng; tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê…
Tại Hội thảo Tháo gỡ "điểm nghẽn", thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mới đây, Luật sư, Ths: Phạm Thanh Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng đưa ra ý kiến dưới góc độ pháp lý về Luật mới sẽ tác động đến phát triển nhà ở xã hội.
Ông Tuấn cho rằng, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý của Luật Nhà ở năm 2023 là Chương VI. Chính sách nhà ở xã hội (từ Điều 71 - Điều 111) quy định khá đầy đủ, toàn diện về chính sách nhà ở cho những đối tượng có thu nhập thấp, bao gồm phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê; phát triển nhà ở lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Ông Phạm Thanh Tuấn hy vọng với chính sách nhà ở xã hội được đề cập khá toàn diện của Luật Nhà ở năm 2023 khi triển khai thực thi sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về phân khúc nhà ở này trên thực tế.
Bên cạnh đó, Luật sư Phạm Thanh Tuấn cũng đưa ra một số kiến nghị: Để triển khai thực hiện khoản 4 Điều 80 của Luật Nhà ở năm 2023 quy định về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê đảm bảo sự thống nhất, tương thích với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023.
Các cơ quan hữu quan xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023 về vấn đề này; theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn thông qua việc thành lập một doanh nghiệp trực thuộc có chức năng đầu tư, kinh doanh BĐS và có giấy phép đăng ký kinh doanh BĐS do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Vấn đề nữa là bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội ở các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 về quy hoạch sử dụng đất, về đất phát triển nhà ở xã hội trong nội dung quy định về đất ở tại Chương chế độ sử dụng các loại đất đảm bảo sự thống nhất với Điều 83 của Luật Nhà ở năm 2023 quy định về đất để phát triển nhà ở xã hội.