Thị trường bất động sản có thể phục hồi từ 2 quý cuối năm

Đông Bắc 13:31 | 02/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia dự báo, nếu các giải pháp tháo gỡ được đưa ra cụ thể, thị trường bất động sản có thể hồi phục trở lại từ 2 quý cuối năm nay.

 

Đầu tháng 1, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023, trong đó có những định hướng, chủ trương để giải quyết vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản .

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và nhiều chuyên gia cho rằng, những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời sẽ tạo ra những động lực thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản trong năm 2023 này.

Từ cuối năm 2022, Chính phủ đã lập Tổ công tác giải quyết những vướng mắc trong thực hiện các dự án bất động sản. Bộ Xây dựng liên tục làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để tìm ra các nút thắt lớn nhất hiện nay.

Trong đó, khó khăn do thủ tục pháp lý chồng chéo, hoặc chưa rõ ràng chiếm tới 70%. Theo sau là những khó khăn về vốn, lệch pha cung - cầu, thiếu nhà hợp túi tiền, giá nhà liên tục tăng cao... Đại diện Hiệp hội Bất động sản kỳ vọng sẽ có các giải pháp cụ thể để tháp gỡ dần các nút thắt.

 

 Chuyên gia dự báo thị trường bất động sản phục hồi từ quý III/2023. Ảnh Đông Bắc.

Phát biểu tại hội thảo về bất động sản gần đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá: "Tôi cho rằng đây là một trong những việc rất khó mà tổ công tác nhận nhiệm vụ này. Chúng ta có nhiều bộ luật liên quan. Chúng tôi đã nhìn thấy hành động của các cơ quan, bộ, ngành rất quyết liệt. Trong quý I/2023 khả năng ra nhiều văn bản, nghị định mới có thể giải quyết được một phần".

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết, thời điểm quý II, III/2022, chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ hồi phục vào khoảng cuối năm. Tuy nhiên, từ tháng 10 vừa qua đã xuất hiện một vài vụ việc vi phạm khiến cho tâm lý, niềm tin nhà đầu tư và doanh nghiệp ảnh hưởng khá nặng nề. Đó là những biến số nằm ngoài tính toán, dự báo của tất cả các chuyên gia.

Đến thời điểm hiện nay, chuyên gia đánh giá thị trường sẽ có khả năng hồi phục trong năm 2023, cụ thể là giai đoạn quý III, IV của năm.

Theo ông Lực, trong những quý đầu của năm 2023, ngân hàng trung ương của các quốc gia sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Dự đoán tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý I, do đó áp lực của lãi suất, tỷ giá lên thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung sẽ còn kéo dài đến hết khoảng thời gian này.

Bên cạnh đó, còn có độ trễ nhất định giữa các khu vực trên thế giới. Khu vực châu Á, châu Âu có thể còn tăng lãi suất đến hết quý II/2023. “Chúng ta hy vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều hành cân bằng bài toán tỷ giá và lãi suất. Để ổn định được mặt bằng lãi suất cũng đã là một thành công”, theo TS. Cấn Văn Lực.

Các chuyên gia đưa ra dự báo, nếu các giải pháp tháo gỡ được đưa ra cụ thể, thị trường bất động sản có thể hồi phục trở lại từ quý III, quý IV năm nay.

Ngân hàng đang bơm 800.000 tỷ đồng vào bất động sản

Trong báo cáo về thị trường bất động sản năm 2022, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt xấp xỉ 800.000 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2021, con số này xấp xỉ 700.000 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%.

Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Qua số liệu trên cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng.

Về nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%, chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.