Bất động sản công nghiệp tiếp tục là “điểm sáng” hiếm hoi trên thị trường

Đông Bắc 08:39 | 17/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bất động sản công nghiệp vẫn tiếp đà tăng trưởng tốt từ các năm trước, bất chấp thị trường đang trải qua giai đoạn khó khăn. Chuyên gia cho rằng, bất động sản công nghiệp vẫn đang là "điểm sáng" hiếm hoi trên thị trường.

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ 2022. Đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc... tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư.

Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ đang tăng đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, các tập đoàn lớn đang xem xét cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng vào năm 2024.

Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội cho rằng, sau khi các hoạt động được khôi phục trở lại sau Covid-19, các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dù tới Việt Nam khảo sát thị trường nhưng họ phần nào cũng trở nên thận trọng và muốn tìm hiểu thị trường một cách kỹ càng hơn trước khi đưa ra quyết định.

Ngoài ra, năm 2023, dòng vốn FDI còn chịu tác động thêm bởi chính sách thuế tổi thiểu toàn cầu. Điều này dẫn đến tình trạng thị trường trở nên ít sôi động hơn. Các tập đoàn lớn cũng trở nên cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư trong bối cảnh tác động kinh tế - chính trị toàn cầu.

Dù vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ; tuy nhiên, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn. Điều này đã phần nào khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

“Doanh nghiệp đầu tư cần thêm thời gian để cân nhắc và quyết định. Vẫn phải nói, các yếu tố nền tảng về kinh tế, nhân khẩu học, nguồn lao động của Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao. Đây cũng chính là sức hút chính thuyết phục nhà đầu tư tới thị trường” - ông Thomas Rooney chia sẻ trên VOV.vn.

 Bất động sản công nghiệp vẫn đang thu hút được rất nhiều đầu tư từ trong và ngoài nước. Ảnh BĐS.

 Hiện nay, các thị trường Nhóm 2  (nhóm có vị trí xa các thành phố lớn) như Vĩnh Phúc cũng đang ghi nhận sức hấp thụ bất động sản công nghiệp khá tốt. Các thị trường này đang sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn, và được chào thuê với mức giá cạnh tranh hơn so với thị trường Nhóm 1, với quỹ đất sẵn có mang tới cho khách thuê nhiều lựa chọn hơn.

Theo ghi nhận của Dịch vụ Tư vấn Công nghiệp của Savills, trong hai năm trở lại đây, sức hấp thụ của thị trường này thậm chí tốt hơn các tỉnh Nhóm 1. Nhìn chung, thị trường vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực, Việt Nam luôn nằm trong danh sách những thị trường mới nổi thu hút đầu tư trong khu vực.

Bất động sản công nghiệp được coi là "điểm sáng" trên thị trường bởi vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư ngoại. Mới đây, sự kiện phái đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ như Boeing, Coca - Cola, Meta, SpaceX, Netflix, Apple… đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác đã cho thấy niềm tin của các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam. Từ đó, thể hiện tiềm năng của Việt Nam trở thành bến đỗ, trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ hay các ngành công nghiệp có giá trị cao.

Bất động sản vẫn là ngành đứng thứ 2 trong số các ngành có lượng đầu tư FDI lớn nhất với tổng vốn đầu tư trong 3 tháng đầu năm đạt 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ. Các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) và gần 151 triệu USD (tăng 37%).

Nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam có thể duy trì nguồn cầu từ nhà đầu tư nhờ các lợi thế về lao động, dân số, sự phát triển cơ sở hạ tầng, ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều thách thức nhưng bất động sản công nghiệp vẫn tiềm năng

Dù là phân khúc rất tiềm năng với nhiều yếu tố lực đẩy nhưng BĐS công nghiệp đang đối mặt nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Nhận định về thị trường bất động sản công nghiệp trên Báo Đại biểu Nhân dân mới đây, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ông Nguyễn Văn Đính cho biết, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến của dòng vốn FDI. Điều này giúp bất động sản công nghiệp không bị lâm vào tình cảnh ảm đạm chung. Nhưng để nó thực sự trở thành điểm sáng, chúng ta cần có các giải pháp thiết thực để loại bỏ dần những lực cản.

Một trong những lực cản lớn mà BĐS công nghiệp đang phải đối mặt là quá trình giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương. Việc giải phóng mặt bằng chậm khiến tiến độ nhiều khu công nghiệp làm kéo dài thời gian xây dựng cũng như chi phí pháp lý.

Ngoài ra, các khu công nghiệp đang thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai và phát triển khi hạ tầng kết nối chưa thông suốt, các tiện ích, dịch vụ phục vụ cuộc sống của người lao động còn thiếu thốn, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà xưởng còn thấp,…

 BĐS công nghiệp cũng có những rào cản nhất định. Ảnh BĐS.

 Bên cạnh đó, những thay đổi của nền kinh tế với sự xuất hiện của các nhu cầu mới đang đòi hỏi định hướng chính sách cần rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Trong tổng thể bản đồ quy hoạch chung của vùng, địa phương, vấn đề thông tin quy hoạch KCN cần được công khai, minh bạch...

Lý giải về sự tăng trưởng của đất công nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, sở dĩ bất động sản công nghiệp Việt Nam thu hút đầu tư là bởi nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam không ngừng tăng trưởng qua các năm, là nền tảng tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, cũng theo ông Đính, hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, rút ngắn quãng đường di chuyển và căng thẳng Mỹ -Trung kéo theo làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc cùng với lợi thế hấp dẫn: lao động giá rẻ, nguồn cung đất công nghiệp dồi dào, chi phí xây dựng nhà xưởng, ưu đãi đầu tư về thuế…, và việc tích cực tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới của Việt Nam.

Cả nước hiện có khoảng 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành; 397 khu công nghiệp đã được thành lập; 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87.100 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58.700 ha. Ngoài ra còn có 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với diện tích đất công nghiệp khoảng 23.800 ha.

Theo dữ liệu hết quý I/2023, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cấp 1 trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng, đạt trên 80%, trong đó khu vực phía Nam trung bình đạt 85% (dẫn đầu cả nước).

Tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đều duy trì trên 90% trong năm 2022. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Bình Dương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất, đạt trên 95%.