‘Bất động sản từ năm 2024 trở đi sẽ khác, không còn là thị trường siêu lợi nhuận’
Từ cuối năm 2022 đến hiện tại, liên tục có những giải pháp chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, phát triển an toàn hơn. Một số gói tín dụng hỗ trợ cho thị trường cũng được công bố thời gian qua, nhưng đến nay vẫn chưa có tác động gì đáng kể đến thị trường.
Tại Tọa đàm "Gỡ nút thắt pháp lý cho bất động sản: Từ chính sách đến thực tiễn" do báo Dân trí tổ chức sáng 14/6, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, Chính phủ phải gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản vì đó là ngành kinh tế lớn, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, liên quan tới hệ thống ngân hàng. Nếu bất động sản tê liệt sẽ nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng.
Khi thị trường bất động sản phát triển nóng do các hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời diễn ra khắp nơi, thậm chí lan tới các vùng nông thôn, khiến đất nông nghiệp ở làng quê vẫn tăng giá,…cho thấy thị trường cần phải được điều chỉnh. Chính phủ sẽ giữ để hệ thống ngân hàng không bị suy sụp bởi tác động tiêu cực của thị trường bất động sản.
Vị này cho hay, nhiều người thắc mắc vì sao gói hỗ trợ năm 2013 có thể đi vào cuộc sống nhưng năm nay, gói 120.000 tỷ lại không làm được điều đó. Nguyên nhân theo ông Hiển là do quy mô.
Giai đoạn 2011 - 2013, giá đất còn tiềm năng. Gói hỗ trợ tỷ lúc đó đi trực tiếp vào những dự án của thành phố, những dự án căn hộ,… đi ngay vào sử dụng nên giải ngân hợp lý.
Còn gói 120.000 tỷ này có đi vào cuộc sống cũng không thể tạo dòng tiền mạnh như các gói hỗ trợ của năm 2013. Vì quy mô thị trường địa ốc năm 2013 chỉ bằng 1/10 so với quy mô thị trường hiện nay.
“Chúng ta không thể đòi hỏi Chính phủ hành động để cho thị trường bất động sản tăng trưởng mà cần ổn định hệ thống tài chính trước, ngoài ra cần có một nhịp điều chỉnh về lãi suất. Chúng ta cần những nhà đầu tư chậm rãi hơn, bình tĩnh hơn cho một thị trường mới, có thể là đầu năm 2024.
Lúc này, thị trường bắt đầu đi theo quỹ đạo an toàn, bền vững, đúng như vai trò của thị trường bất động sản đối với mọi nền kinh tế các nước. Đó không phải là một thị trường siêu lợi nhuận, nhưng là một thị trường quy mô lớn và bền vững để góp phần cho các ngành nghề khác phát triển”, ông Hiển nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), hiện tại, nền kinh tế có dấu hiệu của sự sụt giảm, đuối sức và ngành bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong giai đoạn dịch bệnh, các ngành sản xuất kinh doanh đình trệ, nhiều người dồn vốn chuyển sang bất động sản để tìm cơ hội đầu tư, nhìn thấy bất động sản là kênh tốt nhất. Do đó, khi thị trường có dấu hiệu hụt hơi, các nhà đầu tư mắc cạn, ảnh hưởng tới tâm lý chung trên thị trường. Chính vì vậy, Chính phủ vào cuộc để gỡ các nút thắt.
Tuy nhiên, theo ông Đính, nhiều tỉnh thành hiện đang còn một số dự án vướng mắc pháp lý, cần địa phương có những động thái quyết liệt hơn nữa, không đùn đẩy, né tránh. Bởi có tình trạng, doanh nghiệp chạy ngược chạy xuôi từ cơ quan này qua bộ phận nọ mà vẫn không giải quyết được vấn đề.
"Chính phủ cũng đã nhìn thấy vấn đề và ra công điện, chỉ thị,... nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, tôi mong muốn Chính phủ, các bộ ngành cần đẩy mạnh hơn, tháo gỡ các điểm nghẽn, hàng nghìn dự án cần sớm được gỡ nút thắt để đưa vào thị trường. Vì như vậy mới có hàng hóa, có giao dịch, có phát triển.
Chúng tôi cho rằng các khó khăn này đến cuối năm 2023 mà không được giải quyết thì khoảng 50% doanh nghiệp bất động sản trên cả nước sẽ rơi vào tình trạng "hôn mê", không thể hồi phục được nữa, và đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm", chuyên gia nhận định.