BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 13.000 tỷ đồng

16:21 | 11/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
BIDV kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 sẽ đạt 13.000 tỷ đồng, tăng tới 44% so với năm 2020.
Ngày 12/3, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.
 
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ vừa được công bố, năm 2021, BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng 10-12%, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do NHNN giao. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến khoảng 12-15%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của ngân hàng là 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu không vượt 1,6%.
 
Năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV chỉ đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước đó. Kết thúc năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1.516.686 tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với năm 2019, tiếp tục là NHTMCP có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.438.520 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5% so với năm 2019.
 
BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 13.000 tỷ đồng
Theo tài liệu ĐHĐCĐ BIDV
 
Với phương án phân phối lợi nhuận 2020, BIDV dự kiến trích lập hơn 2.886 tỉ đồng cho các quĩ; trong đó trích quĩ khen thưởng phúc lợi là hơn 1.886 tỉ đồng.
 
Sau trích lập, lợi nhuận còn lại của BIDV đạt gần 3.781 tỉ đồng. Ngân hàng dự kiến chi 2.815 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2020, tương ứng tỷ lệ 7%. Sau chia, lợi nhuận giữ lại của ngân hàng là hơn 965 tỷ đồng.
 
Tại đại hội, BIDV cũng sẽ trình cổ đông xem xét phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2021. Theo đó, BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tức tăng 20,6%) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.
 
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và IV/2021. Trong khi đó, việc chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Theo ban lãnh đạo ngân hàng, kế hoạch tăng vốn nhằm đảm bảo nhu cầu vốn trong cả điều kiện kinh doanh thông thường và điều kiện căng thẳng. Trong đó, tăng vốn điều lệ là một trong những nguồn vốn nền tảng, tạo điều kiện cho các nguồn tăng thứ cấp khác.
 
Một vấn đề đáng chú ý khác sẽ được đưa ra thảo luận tại ĐHĐCĐ là việc chuyển đổi Chi nhánh Yangon thành ngân hàng con.
 
BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 13.000 tỷ đồng
Theo tài liệu ĐHĐCĐ BIDV
 
Ngân hàng cho biết việc chuyển đổi phù hợp với chiến lược tổng thể của BIDV trong hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính khu vực. Cụ thể, vốn điều lệ ngân hàng con sẽ ở mức 100 triệu USD. Dự kiến ngân hàng con sẽ đem về lợi nhuận trước thuế hàng năm trung bình 1,5 triệu USD/năm.
 
Đến cuối năm 2020, chi nhánh BIDV Yangon có tổng tài sản là 120 triệu USD, vốn điều lệ 85 triệu USD, huy động vốn đạt 34 triệu USD, dư nợ cho vay đạt 23 triệu USD. Chi nhánh này bắt đầu có lãi từ năm 2018, sớm hơn 1 năm so với Đề án thành lập, lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 1,62 triệu USD.
 

HĐQT BIDV nhấn mạnh tới 8 giải pháp trọng tâm trong năm 2021. Một số trọng tâm quan trọng có thể kể đến như: triển khai Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tất cả các cấp trong toàn hệ thống; quán triệt quan điểm chuyển đổi số toàn diện mọi mặt hoạt động của hệ thống: tập trung nguồn lực để triển khai các giải pháp đột phá trên kênh ngân hàng số (định danh điện tử - eKYC, chuyển tiền và thanh toán đa kênh bù trừ điện tử - ACH, huy động vốn/vay vốn online…), hướng tới mục tiêu đạt 80% lượng khách hàng tiếp cận và sử dụng các kênh ngân hàng số của BIDV vào năm 2025.

Cùng với đó, chú trọng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, khuyến khích tín dụng trung dài hạn hiệu quả trong giới hạn phù hợp; tăng trưởng tín dụng ngắn hạn đối với khách hàng tốt, đem lại tổng hòa lợi ích cao; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, theo dõi chặt chẽ khả năng phục hồi của nhóm khách hàng khó khăn và đã được hỗ trợ theo các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu, thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ ngoại bảng.

Bên cạnh đó, tập trung cơ cấu lại kỳ hạn của nền vốn theo hướng gia tăng tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn; đảm bảo cân đối vốn gắn với cải thiện nền vốn theo loại tiền.

Xem thêm: BIDV dành 10.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất nhập khẩu

Nguyễn Dung