Bộ Xây dựng đề nghị lập khu công nghiệp phải bố trí nhà ở cho công nhân
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ thời gian qua, tác động của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động...
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú), nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe, việc làm, thu nhập của người lao động cùng các gói hỗ trợ công nhân lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn. Đó là loạt các loạt Chỉ thị và Nghị quyết 16/CT-TTg và 88/NQ-CP liên quan tới cải thiện điều kiện làm việc và giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho tại các khu công nghiệp.
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, về lâu dài Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014; trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp trong thời điểm trước mắt, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp và tập trung triển khai một số giải pháp.
Bộ Xây dựng muốn khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Cùng đó, nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân cần được nâng cao chất lượng; có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Địa phương bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám, chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn;
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà xã hội.
Các tỉnh, thành cũng được đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bao gồm: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao. Mục tiêu đặt ra là từ năm 2026 trở đi, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
Nhà ở cho công nhân: Dù được chú ý nhiều nhưng vì sao thực tế vẫn triển khai hiệu quả?
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện cả nước mới có 2.580.000m2 nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đủ bố trí cho khoảng 330 nghìn người lao động. Cơ quan đánh giá số liệu trên là rất nhỏ so với nhu cầu của hàng chục triệu công nhân.
Do thiếu thốn về nhà ở, hàng triệu công nhân đã phải thuê nhà trọ bên ngoài trong điều kiện sinh hoạt chật chội, tạm bợ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tác động xấu đến năng suất lao động, đó là chưa kể vấn đề an ninh ở các khu trọ khá phức tạp.
Giải thích về tình trạng thiếu hụt nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng trả lời báo Dân Sinh rằng: 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển NƠXH chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Đầu tiên, KCN chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH, hoặc có bố trí nhưng lại ở những vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng... dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án NƠXH...
Thứ hai, Ông Hưng chỉ ra hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển NƠXH, trong đó ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giai đoạn 2016 đến năm 2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của NHCSXH); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH đến nay chưa được bố trí. Vì vậy, có nhiều dự án NƠXH không thể triển khai thực hiện do không có vốn.
Do đó, để cải thiện tình trạng trên cần gỡ vướng 2 nút thắt lớn nhất là vốn và quỹ đất sạch cho thị trường. Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các KCN TP.Hồ Chí Minh (Hepza) phân tích rằng, quỹ đất đầu tư xây dựng cần có vị trí không thuộc các khu công nghiệp. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất từ trước.
Các sở ngành phải tích cực hỗ trợ đồng bộ về vốn, thủ tục cho các DN đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Không chỉ triển khai hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp nước) mà cần nghiên cứu bổ sung để các DN đầu tư nhà xã hội được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng (thuế suất 0%), miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm...
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, chương trình phát triển Nhà ở xã hội dành cho công nhân KCN, cho tới năm 2021 đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 111 dự án, quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ với tổng diện tích hơn 2,3 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 90.500 căn hộ, tổng diện tích hơn 4,5 triệu m2. Kết quả mới đạt khoảng 42% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà ở.