Chương trình phục hồi phát triển KT-XH: khẩn trương hơn nữa, kịp thời hơn nữa
Thủ tướng Chính phủ đôn đốc triển khai Chương trình hỗ trợ nền kinh tế
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị không để lỡ nhịp phục hồi, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội liên quan đến gói chính sách tài khóa - tiền tệ trị giá 347 nghìn tỷ đồng hỗ trợ Chương trình.
Với thời gian triển khai chủ yếu trong 2 năm (2022-2023) và nhiệm vụ giải ngân gói 347 nghìn tỷ lớn nhất từ trước tới nay, một số hỗ trợ trong Chương trình đã được thực thi ngay từ 1/2/2022 và đạt kết quả nhất định, chẳng hạn gói giảm thuế giá trị gia tăng 2% với hàng loạt mặt hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đã đuối sức trong 2 năm qua và cần hơn hết những cú hích phục hồi càng nhanh càng tốt, Chính phủ đang nỗ lực đôn đốc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ còn lại.
Tại Công điện 290 vừa ban hành ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ nhận định mặc dù bộ ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 11 nhưng đến nay, tiến độ thực hiện nhiều nhiệm vụ còn chậm, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra tại Chương trình.
Sốt ruột trước thực tế thực thi Chương trình, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, cơ quan chậm hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong tháng 3/2022 nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để tình trạng chậm trễ tiếp diễn.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ và có văn bản trình cấp có thẩm quyền chậm nhất trước ngày 10/4/2022.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công được phân bổ trong Chương trình và nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính được giao nhanh chóng xây dựng dự thảo Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2022.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ sớm trình Thủ tướng ban hành Quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Bộ Khoa học và Công nghệ nhanh chóng sửa đổi Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 đối với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương triển khai việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình "Sóng và máy tính cho em" từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình; đồng thời chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thực thi kịp thời mới tối đa hiệu quả Chương trình
Giới chuyên gia đồng tình rằng việc sớm thực thi các gói hỗ trợ trong Chương trình là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh diễn biến địa chính trị quốc tế tác động đến nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho hay ông kỳ vọng tốc độ giải ngân phải nhanh hơn nữa để thực sự tạo động lực cho phục hồi và tăng trưởng.
"Giải ngân để thúc đẩy phục hồi thì phải nhanh, đợi đến khi phục hồi rồi mới giải ngân thì nói làm gì? Tốc độ thực hiện Chương trình hiện nay chưa phản ánh thực sự đầy đủ tinh thần khẩn trương của một gói kích thích phục hồi kinh tế", TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề.
"Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia khác triển khai những gói khổng lồ hơn nhiều mà giải ngân chỉ trong 1-2 năm thôi. Ngay khi dịch bệnh bắt đầu giảm bớt là các gói kích thích phục hồi của họ đã vào cuộc rồi", vị này so sánh thêm.
Nhận định tại tọa đàm "Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế 2022- 2023: Tăng tốc tiếp sức doanh nghiệp" hôm 25/3, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định rằng trong bối cảnh rủi ro với tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát gia tăng, tính cấp thiết phải thực hiện Chương trình phục hồi trong năm nay để tạo động lực cho tăng trưởng càng trở nên mạnh mẽ.
Tương tự, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng các gói hỗ trợ phải được thực thi kịp thời mới phát huy tối đa hiệu quả chính sách.
“Ví dụ, gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được thiết kế với 2 mục tiêu là chia sẻ khó khăn với người lao động và khuyến khích họ quay trở lại làm việc. Giả sử chúng ta thực hiện gói này ngay lúc người lao động khó khăn thì tác dụng khuyến khích rất lớn, chúng ta thực hiện chậm thì tính chất chia sẻ khó khăn vẫn còn nhưng tác động khuyến khích đã ít đi”, ông Phan Đức Hiếu nhận định.