Xuất khẩu phân bón gặp khó nửa đầu năm, nhưng sẽ dần khởi sắc hơn về cuối năm?

Lạc Lạc 09:11 | 06/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra gần đây, Đạm Phú Mỹ đã thông qua kế hoạch kinh doanh khá thận trọng so với mức nền cao của năm ngoái. Thế nhưng ban lãnh đạo nhấn mạnh rằng, đây vẫn là chỉ tiêu đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để hoàn thành. Nhìn ra toàn ngành, những tín hiệu chững lại trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm đã phản ánh phần nào tình hình "khó", nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Xuất khẩu phân bón 6 tháng chậm lại cả lượng và giá 

Thị trường phân bón trên thế giới cũng như trong nước đang đứng trước tình trạng cung vượt cầu. Giá mặt hàng này trên thế giới đang trong xu hướng giảm, sau khi lập đỉnh vào tháng 4/2022. Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường vẫn đang tiếp diễn có tác động đến cung - cầu cũng như giá cả các loại phân bón trên thị trường thế giới. 

 Xuất khẩu phân bón của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022-2023.

Đáng chú ý, giá Ure - một trong những mặt hàng chủ lực toàn ngành - đang có chiều hướng tiếp tục giảm trong năm 2023. Ngay từ quý IV/2022, giá các loại phân bón bắt đầu đảo chiều do chi phí sản xuất giảm (than và khí tự nhiên hạ nhiệt). Đặc biệt là Trung Quốc mở cửa trở lại khiến nguồn cung phân bón toàn cầu tăng trong khi nhu cầu sử dụng yếu đã khiến giá phân bón giảm mạnh, thiết lập mặt bằng giá ngày càng thấp trên toàn thế giới. Giá phân Ure giảm mạnh nhất trong tất cả các mặt hàng phân bón, từ mức lập đỉnh 925 USD/tấn FOB trong tháng 4/2022 xuống còn 314 USD/tấn FOB vào tháng 3/2023, giảm 66%. Tương tự, giá phân bón DAP và NPK cũng lần lượt giảm 36% và 20% so với mức cáo hồi tháng 4 năm ngoái. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón Việt Nam giảm về cả kim ngạch và sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 15/6/2023), Việt Nam đã xuất khẩu 742.000 tấn phân bón, kim ngạch đạt 309,92 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, giảm gần 19% về lượng và giảm 48% về kim ngạch. Thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam chủ yếu là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Campuchia là thị trường truyền thống và chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất; tiếp theo là các thị trường Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Philippines, Myanmar, Lào.

Xét về giá, trong nửa đầu năm nay, giá xuất khẩu phân bón bình quân tháng giảm mạnh nhất tại tháng 4, xuống trung bình 338,57 USD/tấn (giảm 51% so với cùng kỳ năm trước). Đây cũng là mức giảm thấp nhất trong 6 tháng đầu năm 2023. Sau đó giá đảo chiều tăng mạng trong tháng 6, lên 415,51 USD/tấn (tăng 13% so với tháng trước). Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2022, giá phân bón bình quân tháng 6 năm 2023 đã giảm tới 32%.

 Diễn biến giá xuất nhập khẩu phân bón bình quân tháng của Việt Nam.

Theo nghiên cứu của bà Trần Thị Huế - Phòng nghiên cứu Thị trường và Giá cả, Viện Kinh tế - Tài chính, nguyên nhân khiến giá xuất khẩu phân bón các loại trong 6 tháng đầu năm 2023 hầu hết giảm mạnh là do giá các nguyên vật liệu đầu vào (bao gồm khí, than) cho sản xuất phân bón giảm. Tại Trung Quốc, không chỉ nhu cầu tại thị trường này tăng mà việc xoá bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón từ tháng 5 khiến nhiều doanh nghiệp phân bón đẩy mạnh xuất khẩu, giảm tồn kho dẫn đến nguồn cung phân bón toàn cầu tăng trong khi nhu cầu sử dụng yếu đã gây áp lực giảm mạnh giá phân bón để thúc đẩy tiêu thụ, thiết lập mặt bằng giá ngày càng thấp trên toàn thế giới.

 

 

 

 

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó đoán định, thị trường phân đạm toàn cầu nói riêng và phân bón nói chung trong 6 tháng cuối năm 2023 vẫn tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề đã xảy ra trong năm 2022, bao gồm xung đột giữa Nga - Ukraine, biến đổi khí hậu, giá khí đốt tự nhiên có thể đảo chiều tăng và khủng hoảng tiền tệ.

Tiêu thụ phân bón được dự báo phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2023

Trong báo cáo phân tích ngành tháng 5 vừa qua, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong năm 2023, nhu cầu phân bón thế giới được IFA ước tính đạt 195.800 tấn, phục hồi 1,5% từ mức thấp trong năm 2022. Trong đó, nhu cầu Ure toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7%; nhu cầu DAP tăng từ 4-7% so với năm trước nhờ giá nông sản chính thế giới được dự báo vẫn ở mức cao do đó hỗ trợ khả năng chi trả cho phân bón, thúc đẩy thêm nhu cầu tiêu thụ phân bón nhất là ở các nước trong khu vực Bắc và Nam Mỹ - nơi có nhu cầu sản xuất đậu tương và ngô.

 

Nhu cầu trong nước được dự báo tăng 20% so với cùng kỳ, đạt mức hơn 10 triệu tấn/năm trong 2023 nhờ nông sản được đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại, điều này khuyến khích nông dân trong nước tái đầu tư sản xuất, qua đó giảm bớt áp lực tồn kho.

Cụ thể, AgroMonitor ước tính nhu cầu phân bón của Việt Nam sẽ tăng khoảng 10-18% so với năm 2022 nhưng sẽ thấp hơn khoảng 8-13% so với 2021. Trong đó, dự kiến tăng mạnh chủng loại DAP (28-46%), Ure (12-16%), Kali (15-26%), các chủng loại khác tăng thấp hơn NPK (7-14%), SA (7-11%),...

Về thị trường quốc tế, Châu Mỹ Latin là khu vực được dự báo sẽ dẫn đầu xu hướng phục hồi trong tiêu thụ các loại phân bón trên toàn cầu năm 2023, đặc biệt là phân lân và phân kali. Khu vực Nam Á đứng thứ hai trong xu hướng phục hồi nhu cầu tiêu thụ phân đạm và phân lân, trong đó tiêu thụ tại Ấn Độ và Pakistan sẽ tăng mạnh. Đông Á sẽ trở thành động lực lớn thứ hai của tăng trưởng tiêu thụ phân kali, dẫn đầu là các quốc gia sản xuất dầu cọ. Ngoài ra, tiêu thụ phân bón tại châu Phi dự kiến tăng 9% sau khi giảm mạnh các năm trước, vì vậy châu lục này cũng sẽ trở thành động lực lớn cho tăng trưởng tiêu thụ phân đạm toàn cầu. 

Dự báo về giá các mặt hàng phân bón xuất khẩu chính, BVSC cho rằng, trong những tháng còn lại của năm 2023, người mua vẫn thận trọng và chờ đợi giá Ure tiếp tục giảm, trong khi người bán lại lo lắng về mức tồn kho cao.

Với giá phân Kali 2023, theo WorldBank, giá phân Kali trung bình năm 2023 được ước tính sẽ đạt ở mức cao 500 USD/tấn (-40% so với cùng kỳ) do nguồn cung phục hồi nhanh hơn so với nhu cầu. Trong trung hạn, nguồn cung trong giai đoạn 2022-2025F dự kiến phục hồi ở mức thấp do việc chậm trễ trong việc mở rộng công suất ở khu vực Đông Âu, chiếm khoảng 60% trong tổng nguồn cung tăng thêm trong giai đoạn trên. 

Giá phân DAP được dự báo ở mức thấp, khi Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có thể gỡ bỏ việc áp đặt hạn ngạch đối với phân lân trong những tháng còn lại của năm 2023. Mosaic (một trong những nhà sản xuất phốt phát lớn nhất thế giới) ước tính Trung Quốc sẽ xuất khẩu 4,48 triệu tấn DAP, chiếm ~90% trong sản lượng xuất khẩu phân lân của Trung Quốc trong năm 2023.

Doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường để cải thiện tình hình

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu phân bón lớn sang thị trường Campuchia, xuất khẩu phân bón của Bình Điền (mã: BFC) sang quốc gia này đã giảm đến 3.000 tấn trong những tháng đầu năm. 

"Năm 2023 là rất khó, đặc biệt là trong quý I, giá cả phân bón rớt xuống thấp, đơn cử là giá phân Urê hồi tháng 4/2022 công ty mua vào mua cao nhất là 18,5 triệu đồng/tấn nhưng hiện nay giảm đến phân nửa. Cũng vì giá liên tục xuống, tiêu thụ giảm do thị trường có tâm lý chờ giảm giá thêm mới mua hàng, đại lý không nhập hàng để giảm tồn kho nên quý I/2023, Bình Điền ghi nhận doanh thu âm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 đến nay, Bình Điền lỗ trong quý I" - đại diện ban lãnh đạo công ty này bày tỏ tại ĐHĐCĐ năm 2023

Cũng tại hội nghị, Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc sang Campuchia đầu tư và bao tiêu đầu vào lẫn đầu ra sản xuất nông sản. Đây là thách thức rất lớn không chỉ đối với Bình Điền mà cả với các nhà sản xuất phân bón Việt Nam ở thị trường xuất khẩu truyền thống này.

Để ứng phó với các thách thức này, Bình Điền và một số doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã tìm hướng mở rộng xuất khẩu sang thị trường khác. Mới đây nhất, phân bón Bình Điền đã ký kết với Tập đoàn Phongsavanh (Lào) bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với mục tiêu chuyển giao các kiến thức canh tác nông nghiệp tiên tiến và các sản phẩm phân bón đến nước Lào.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Phongsavanh sẽ là nhà phân phối độc quyền của Bình Điền tại Lào trong thời gian tới.

Cùng với giải pháp mở rộng thị trường, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã: LAS) cũng cho biết bên cạnh thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia và Lào, Supe Lâm Thao đã chinh phục được thêm thị trường khó tính là Đài Loan (Trung Quốc), nơi nông nghiệp rất phát triển và đòi hỏi rất cao về chất lượng trong việc sử dụng phân bón.

Cụ thể, Supe Lâm Thao đã làm việc với Công ty Chembridge Resources (Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc)). Ông Austin Cheng, Chủ tịch ChemBridge Resources cho biết sẽ tiếp tục đặt những đơn hàng lớn về sản phẩm phân bón Lâm Thao, nhất là các sản phẩm phân bón mới để phát triển một nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, nâng tầm giá trị nông sản tại Đài Loan.

Về phía Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã: DCM), đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, trước áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới, bên cạnh thị trường truyền thống là Campuchia, Công ty đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu sang Brazil, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và châu Âu.

Với việc mở rộng thị trường như vậy, kim ngạch xuất khẩu phân bón của PVCFC sẽ đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Nhưng dù vậy, trong tình hình hiện tại, thị trường nội địa vẫn là "bệ đỡ", bù đắp cho sự thiếu hụt trong xuất khẩu. 

Tại CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM), BVSC dự báo rằng, sản lượng Ure tiêu thụ nội địa của doanh nghiệp sẽ tăng 30-35% trong năm 2023 so với cùng kỳ, bù đắp mức sụt giảm mạnh của sản lượng xuất khẩu. Nhu cầu tiêu thụ nội địa phục hồi rõ rệt hơn trong tháng 5, khi mùa mưa đến gần và tháng 5–tháng 7 là mùa cao tiêu thụ phân bón để phục vụ cho vụ mùa Hè Thu. Đồng thời, giá Ure có thể chạm đáy vào quý I/2023 và phục hồi dần từ giữa hoặc cuối quý II trở đi.

Ngoài ra, DCM được dự báo sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng mảng NPK còn lớn do công ty phát triển mảng này từ 2 năm trước và công suất lớn. Ước tính sản lượng tiêu thụ NPK sẽ tăng 25% so với cùng kỳ, khoảng 100.000 tấn trong 2023. Bên cạnh đó, nhà máy Ure của DCM sẽ hết khấu hao vào khoảng tháng 9/2023. Do đó, BVSC dự phóng mức giảm lợi nhuận của DCM sẽ chậm lại từ quý IV năm nay. 

Cùng với phân tích nhu cầu trong nước và giá phân ure phục hồi, các chuyên gia cũng cho rằng Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM) sẽ có sản lượng tiêu thụ Ure tăng nhẹ với với cùng kỳ, đạt 800.000 tấn, tăng 1,1%. Ngoài ra,sản lượng tiêu thụ của phân NPK nhập khẩu của DPM dự báo đạt 260.000 tấn, tăng 24%. Đây được coi là những động lực cho kinh doanh của doanh nghiệp này trong năm nay. Thế nhưng khi so với mức nền cao của năm 2022, doanh thu kinh doanh nội địa 2023 của DPM được dự báo giảm, trong đó mảng phân bón ước tính giảm 26% do giá bán giảm mạnh (20%- 35% so với cùng kỳ).