Ngành công nghệ toàn cầu dưới thời ông Joe Biden có thể thở phào nhẹ nhõm hay chưa?

17:18 | 09/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng thống mới đắc cử Joe Biden chuẩn bị chuyển đến Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021 và ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu nói chung có thể thở phào nhẹ nhõm với những chính sách "dễ thở" hơn ông Donald Trump.
Ngành công nghệ toàn cầu dưới thời ông Joe Biden có thể thở phào nhẹ nhõm hay chưa? - ảnh 1
Tổng thống mới đắc cử Joe Biden có thể sẽ hóa giải được một số tình trạng hỗn loạn đang tồn tại 4 năm qua tại nước Mỹ. Ảnh: AP

Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden - người được ca ngợi với chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra gay cấn vào cuối tuần qua - sẽ giám sát việc xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc và mang lại sự ổn định cần thiết cho hoạt động kinh doanh của nước Mỹ trong tương lai.

Nhưng cũng có những câu hỏi đặt ra cho Biden, bao gồm cả việc ông định kiềm chế Big Tech ở Mỹ như thế nào và phạm vi ông sẽ thực hiện các chính sách của mình như thế nào nếu đảng của ông không giành được quyền kiểm soát Thượng viện.

Theo Nikkei, sau 4 năm đầy biến động dưới thời Donald Trump, đây là 4 điều có thể thay đổi đối với ngành công nghệ châu Á nói riêng và công nghệ toàn thế giới nói chung dưới thời ông Joe Biden.

Căng thẳng Mỹ - Trung giảm dần


Một trong những hy vọng lớn nhất mà thế giới công nghệ dành cho Biden là ông sẽ đảo ngược - hoặc ít nhất là làm chậm lại - việc phân tách chuỗi cung ứng Mỹ - Trung.
 
Kể từ khi Mỹ thêm Huawei vào danh sách đen thương mại vào năm ngoái, các nhà cung cấp của Mỹ đã khiến cho "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc mất hàng tỷ USD doanh thu. Năm nay, cuộc đàn áp rộng lớn hơn của chính quyền Trump đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm TikTok, đã đe dọa gây thiệt hại lớn hơn cho lĩnh vực công nghệ của Mỹ. Vì Thung lũng Silicon lo ngại rằng căng thẳng ngày càng trầm trọng sẽ dẫn đến sự trả đũa từ Bắc Kinh và tạo thêm khó khăn cho việc kinh doanh xuyên biên giới.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng ông Biden ít có khả năng thúc đẩy việc căng thẳng Mỹ - Trung thêm sâu sắc mà sẽ đưa ra nhiều chiến lược đối phó hơn cho các thương vụ của ông với Bắc Kinh.
 
"Tôi nghĩ Biden sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, nhưng ông ấy sẽ có chiến lược hơn trong cách tư duy và phán đoán để đối phó với các giao dịch mà nước Mỹ muốn có với Trung Quốc", Orit Frenkel, một nhà đàm phán thương mại của văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và hiện là Giám đốc điều hành của nhóm vận động sáng kiến ​​Lãnh đạo Mỹ có trụ sở tại Washington, cho biết.

Frenkel nói thêm, cách tiếp cận của ông Trump đối với Trung Quốc, bao gồm việc tăng thuế quan, đã gây ra thiệt hại về tài sản thế chấp cho các công ty Mỹ.
 
Ngành công nghệ toàn cầu dưới thời ông Joe Biden có thể thở phào nhẹ nhõm hay chưa? - ảnh 2
Nguồn: Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Bloomberg. Việt hóa: Kinh tế & Tiêu dùng

Tuy vậy, ngay cả dưới thời Tổng thống Biden, sự cạnh tranh về công nghệ giữa hai siêu cường chắc chắn sẽ căng thẳng hơn nữa, vì Mỹ sẽ tiếp tục coi sức mạnh công nghệ ngày càng tăng trưởng của Trung Quốc và sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng tại đó là nỗi lo ngại về an ninh quốc gia.

"Biden muốn mang thêm chuỗi cung ứng trở lại Mỹ. Đó là cách để giúp xây dựng lại nền kinh tế Mỹ nhưng ông ấy chắc chắn sẽ không hà khắc như cách ông Trump đã từng làm", Darrell West, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu quản trị tại Viện Brookings (một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington) cho biết.

Điều có thể sẽ không thay đổi là sự chuyển dịch chuỗi cung ứng lớn ra khỏi Trung Quốc , gây ra bởi việc chính quyền Trump đã tăng thuế và đàn áp các công ty như Huawei.

Apple, HP, Dell và Google đều đã yêu cầu các nhà cung cấp của họ giúp chuẩn bị sẵn các phương án sản xuất bên ngoài Trung Quốc, trong khi nhiều công ty điện tử chủ chốt đã mở rộng cơ sở sản xuất tại nhiều quốc gia Đông Nam Á như Đài Loan và Ấn Độ.

Simon Lin, chủ tịch của Wistron - đối tác lắp ráp iPhone, nhà cung cấp cho Acer, HP và Dell, tin rằng sự thay đổi này sẽ tồn tại lâu hơn cuộc chiến thương mại đã châm ngòi ra nó. Lin nói: “Xu hướng đa dạng hóa lớn này sẽ không thay đổi trong dài hạn".

Nguồn tin thân cận với Apple tiết lộ sẽ dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ và Việt Nam, bất kể ai là chủ nhân của phòng Bầu dục - nơi làm việc của Tổng thống Mỹ.

"Đa dạng hóa rủi ro là mục tiêu chính trong thời gian dài hạn. Dự án Ấn Độ của Apple sẽ tiếp tục và sẽ không bị thay đổi bởi kết quả bầu cử Mỹ", một nguồn tin thân cận của Nikkei Asia cho biết.

Chính sách thân thiện hơn đối với nhân tài nước ngoài


Ông Biden có thể thu hồi một số chính sách nhập cư gần đây khiến các công ty công nghệ lớn của Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc thuê và giữ nhân tài nước ngoài.

Đặc biệt quan trọng là chương trình visa làm việc H-1B, chủ yếu được sử dụng bởi các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon để đưa những người nhập cư có tay nghề cao là người Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng vào tháng 6, Mỹ đã đình chỉ việc cấp visa này và các visa lao động khác.

Tiếp theo là những thay đổi lớn về quy tắc được công bố vào tháng trước, nâng cao các yêu cầu đối với người nộp đơn H-1B.

Lập trường không mấy thân thiện của chính quyền Trump đối với vấn đề nhập cư đã khiến ngày càng nhiều nhân tài công nghệ rời khỏi đất nước, dù vô tình hay hữu ý.

Diane Hernandez, luật sư nhập cư tại công ty luật Hall Estill, cho biết: “Chúng ta không còn sống ở những năm 1920 nữa. Đó là nền kinh tế toàn cầu, và chúng ta phải cạnh tranh".

Bà Hernandez cho biết, Biden sẽ "không gây khó dễ" cho các công ty công nghệ trong việc thuê nhân tài nước ngoài vì ưu tiên sẽ là giúp các công ty công nghệ Mỹ duy trì sức cạnh tranh trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bà cũng hy vọng chính quyền của ông Biden sẽ thực hiện một số thay đổi đối với các chính sách nhập cư dựa trên việc làm, bao gồm cả chương trình H-1B, trong 4 năm tới.

"Ông Biden có xu hướng nghiêng về phe bảo thủ hoặc ôn hòa hơn một chút khi đề cập đến các vấn đề nhập cư dựa trên việc làm", bà Hernandez nói thêm.

Các kế hoạch đầu tư đáng xem xét


Sự thay đổi Tổng thống cũng có ý nghĩa lớn đối với các công ty riêng lẻ đang vướng vào mục tiêu kép của Trump, là kiềm chế sự trỗi dậy của công nghệ Trung Quốc và khởi động lại ngành sản xuất của Mỹ.

Hai công ty công nghệ lớn nhất của Đài Loan - Foxconn Technology Group, nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - đều cam kết đầu tư đáng kể vào Mỹ dưới thời Trump.

Tuy nhiên, lời hứa ban đầu của Foxconn đầu tư 10 tỷ đô la vào Wisconsin để xây dựng một nhà máy màn hình lớn và dây chuyền lắp ráp TV đã nhiều lần bị trì hoãn, một thực tế là các đối thủ đảng Dân chủ của Trump đã nhanh chóng nắm bắt.

Đồng thời, đưa các việc làm sản xuất trở lại Mỹ là một trong những cam kết chiến dịch chính của ông Trump. Nhưng việc không thực hiện được nó đã không giúp ích được gì cho ông tại các cuộc thăm dò: Trump cuối cùng đã thất bại trong cuộc tranh cử với tỷ lệ chênh lệch rất sát sao.

Trong khi đó, TSMC vào tháng 5 đã công bố ý định xây dựng một cơ sở chip hiện đại trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, một bang chiến trường khác mà Trump suýt thua.

Chỉ 2 tuần trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu ở Mỹ, người sáng lập Foxconn và cựu chủ tịch Terry Gou đã đưa ra một tuyên bố cam kết tiếp tục đầu tư vào Wisconsin bất kể ứng cử viên nào đắc cử, miễn là các nhà hoạch định chính sách ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương vẫn cam kết với Foxconn.

Tuy nhiên, chiến thắng của Biden đặt ra câu hỏi về việc liệu các điều khoản đầu tư có được thương lượng lại cho cả hai dự án này hay không?

Tương tự như Foxconn và TSMC, Samsung Electronics cũng đầu tư vào Mỹ dưới thời chính quyền của Trump. Khoản đầu tư vào nhà máy đồ gia dụng Nam Carolina được thông báo vài ngày trước khi người thừa kế Samsung gặp Tổng thống Trump năm 2017.

Bây giờ, Samsung đã có lý do để vui mừng chào đón tân Tổng thống Joe Biden bất chấp việc được hưởng lợi sớm trong cuộc chiến thương mại của ông Trump. "Gã khổng lồ" về điện thoại thông minh và chip - Samsung đã đạt được doanh số bán hàng mạnh mẽ trong khi đối thủ Trung Quốc Huawei phải vật lộn dưới sự đàn áp của Washington.

Một giám đốc điều hành của Samsung cho biết sự ủng hộ của Biden đối với thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương sẽ giúp công ty phát triển vì hơn 80% doanh thu của công ty đến từ thị trường nước ngoài.

Nhiều tiền hơn đồng nghĩa nhiều quy định hơn


Về chính sách công nghệ trong nước, ông Biden đã cam kết đầu tư mạnh vào các công nghệ mới trong chương trình nghị sự kinh tế "Mua hàng Mỹ" của mình. Kế hoạch này bao gồm 300 tỷ USD cho các công nghệ mới từ xe điện, vật liệu nhẹ cho đến 5G và trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực mà Trung Quốc đang nhanh chóng đạt được thành công.
 
Ngành công nghệ toàn cầu dưới thời ông Joe Biden có thể thở phào nhẹ nhõm hay chưa? - ảnh 3
Biden và Phó Tổng thống của ông, bà Kamala Harris đều chỉ trích công khai lĩnh vực công nghệ và kêu gọi đưa ra nhiều quy định hơn, đặc biệt đối với Facebook.

Rob Atkinson, Chủ tịch của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, một tổ chức tư vấn chính sách công có trụ sở tại Washington, cho biết: “Dưới thời chính quyền Biden, sẽ có nhiều hỗ trợ hơn cho các lĩnh vực công nghệ. Chúng tôi sẽ nhận được nguồn tài trợ đáng kể thông qua Quỹ Khoa học Quốc gia hoặc các cơ quan liên bang khác để hỗ trợ các phát triển như AI, điện toán lượng tử và sản xuất thông minh. Sẽ có nhiều tiền hơn để triển khai 5G".

Tuy nhiên, Biden và Phó Tổng thống của ông, bà Kamala Harris, cũng là những người chỉ trích công khai lĩnh vực công nghệ và kêu gọi đưa ra nhiều quy định hơn, đặc biệt đối với những "gã khổng lồ" truyền thông như Facebook. Biden cũng đã kêu gọi đánh thuế thu nhập liên bang tối thiểu nhằm vào các công ty như Amazon.

"Biden lo ngại về chính sách cạnh tranh an ninh mạng, quyền riêng tư và một số khía cạnh khác. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều sự giám sát của Chính phủ hơn đối với lĩnh vực công nghệ", West tại Brookings nói.
 
 
Hải Yến