'Sóng' đầu tư bất động sản công nghiệp đang đổ về đâu?
Phân khúc dẫn đầu hút vốn FDI
Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp những trở ngại từ đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tổng quan thị trường bất động sản công nghiệp tại thời điểm quý II/2023 cho thấy:
Đất khu công nghiệp, cả thị trường phía Nam và phía Bắc đều khan hiếm nguồn cung mới, khi chỉ có hơn 700 ha được chào đón trong 6 tháng đầu năm 2023, đóng góp vào tổng nguồn cung đất cho thuê hơn 36.400 ha. Nhu cầu đầu tư mạnh mẽ vào hai trung tâm công nghiệp lớn đã thúc đẩy hiệu quả hoạt động với mức tăng trưởng mạnh về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.
Nguồn cung tích lũy của nhà kho xây sẵn trên cả nước đạt 2,8 triệu m2 và dự kiến tăng gần gấp đôi, lên 4,5 triệu m2 vào năm 2025, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào thị trường này.
Thị trường nhà xưởng xây sẵn cùng với đất khu công nghiệp trở thành điểm sáng nhờ dòng vốn FDI liên tục đổ vào. Số liệu FDI mới nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, hầu hết các dự án đăng ký mới đều có quy mô nhỏ, cho thấy nhu cầu tiềm năng đối với nhà xưởng xây sẵn vì mục tiêu của loại sản phẩm này là hướng tới phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất.
Lĩnh vực đầu tư, đầu tháng 3, Frasers Property Vietnam thông báo về việc hợp tác với Gelex Group - tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu trong nước, để cùng phát triển danh mục đầu tư các khu công nghiệp và mở rộng thị trường bất động sản công nghiệp trên khắp miền Bắc. Tổng mức đầu tư dự kiến là 250 triệu USD.
Hay như thương vụ Foxconn thuê thêm đất tại Việt Nam, tổng giá trị khoảng 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Quang Châu và Khu công nghiệp WHA 1, với nỗ lực chuyển dịch các hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc như một phần của quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài các nhà đầu tư châu Á, sự quan tâm của các quốc gia châu Âu và Mỹ đến thị trường bất động sản Việt Nam cũng ngày càng tăng.
Điển hình là dự án Lego, với khoản đầu tư đáng kể hơn 1,3 tỷ USD, đã đưa Đan Mạch lên vị trí thứ 7 về tổng vốn đăng ký đầu tư và đứng đầu các quốc gia châu Âu đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022. So với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có số vốn huy động đầu tư lĩnh vực bất động sản hậu cần và công nghiệp cũng như số lượng các công ty quốc tế hoạt động lớn nhất. Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu và sự cạnh tranh gia tăng trong khu vực, nguồn đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ vào các yếu tố nền tảng vững chắc của thị trường.
Theo thống kê của Trading Economics và Statista, vốn FDI đăng ký của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất năm 2022 đạt 13,9 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 lần so với năm 2012, trong khi vốn FDI đăng ký của Trung Quốc năm 2022 chỉ bằng một nửa con số ghi nhận năm 2012.
Trong nửa đầu năm 2023, vốn FDI giải ngân vào Việt Nam tăng 0,5% so với cùng kỳ, là một con số khá tích cực trong bối cảnh thị trường đối mặt nhiều khó khăn.
'Sóng' đầu tư BĐS công nghiệp đang đổ về những thị trường nào?
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) lần thứ 3 năm 2023 với chủ đề “Đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới”, do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, các chuyên gia đầu ngành có chung nhận định, thị trường BĐS khu công nghiệp 2023 đang ghi nhận xu hướng nghiêng về các tỉnh phía Bắc. Dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp thời gian qua tập trung nhiều vào các thị trường thuộc phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên trong tương lai, dòng vốn sẽ có sự dịch chuyển từ các thị trường khu vực 1 sang những thị trường thuộc khu vực 2 và thậm chí là khu vực 3, cũng như dần chia sẻ với các thị trường phía Nam.
Ông Paul Wee, Giám đốc Tài chính, Công ty BW Industrial cho hay, phía Bắc Việt Nam đang thu hút được nhiều nhà đầu tư "ong chúa". Hơn 60% đầu tư vào Việt Nam là các lĩnh vực chế biến chế tạo, các ngành này cũng thu hút nguồn vốn lớn nhất tại các địa điểm tập trung khu công nghiệp có hạ tầng sẵn, cung cấp năng lượng sẵn sàng, hệ thống nước thải ổn định, người lao động tập trung cao…
Trong nửa đầu năm nay, phía Bắc phát triển khá mạnh vì hệ sinh thái sẵn có, trong khi miền Nam tăng trưởng hơi chậm vì năm ngoái đã tăng trưởng tốt. Dù vậy, gần đây nhà đầu tư công nghệ cũng đang dịch chuyển về phía Nam, bởi đã có nhiều "ong chúa" công nghệ ở miền Bắc.
Ông Paul Wee cho biết, nếu thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ở phía Bắc phần lớn là nhà đầu tư về logistics, chế biến…thì khu vực miền Nam là các nhà đầu tư thương mại, logistics, may mặc… Thời gian tới, nhà đầu tư sẽ cân nhắc và có thể nhắm đến phía Nam bởi giá bán kho, xưởng và giá đất ở phía Bắc đang có động thái tăng cao, gây ra một số trở ngại trong việc mở rộng quỹ đất.
Đồng quan điểm với ông Paul Wee, ông Đào Xuân Đức - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) cho biết, 30 năm trước, phía Nam là khu vực đứng đầu về bất động sản công nghiệp, đặc biệt là Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM. Khi quỹ đất hẹp đi thì nhà đầu tư chuyển sang Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy nhiên, khu vực này có địa chất yếu, trong khi các ngành sản xuất có công nghệ cao, chi phí lớn dẫn đến nhà đầu tư chuyển dần sang khu vực phía Bắc.
Tại TP HCM, ông Đức cho biết, việc thu hút đầu tư tiếp tục phát triển nhưng những vấn đề tồn tại là quỹ đất. Hiện TP HCM đang có 18 khu chế xuất, công nghiệp, khu công nghệ cao với tỷ lệ cho thuê kho xưởng lấp đầy là 80%. Điều này khiến TP HCM khó đón thêm các doanh nghiệp mới nếu không phát triển được các BDS khu công nghiệp mới. Tuy nhiên quỹ đất tại thành phố đã không còn nhiều, giá trị cũng đang cao.
Còn ông Bruno Jaspaert, TGĐ Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, tới đây, dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp sẽ có sự dịch chuyển từ các thị trường số 1 (TP HCM, Hà Nội) chuyển dịch sang các thị trường số 2 và thậm chí là những thị trừng thứ 3 do quỹ đất cần mở rộng và hạ tầng được cải thiện hơn. Những thị trường mới như Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… (phía Bắc) hay Long An, BR-VT, Bình Phước, Hậu Giang, Tiền Giang… (phía Nam) có thể mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.