Tìm giải pháp gỡ khó cho nhà ở xã hội
Ngày 3/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đây là lần thứ 2, tính từ đầu năm tới nay, một hội nghị lớn bàn về các giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản, được tổ chức một cách quy mô, toàn diện, với sự tham gia các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp quan trọng. Đó là tiếp tục chung tay tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy bất động sản và thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Việc triển khai Nghị quyết 33 đã có hiệu quả nhất định khi được xây dựng với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, hướng tới mục tiêu tháo gỡ trên cả 3 phương diện, gồm pháp lý, tín dụng và cung cầu bất động sản, nhất là về nhà ở xã hội.
Hiện tại, Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" vẫn đang được triển khai, nhưng cũng đang gặp không ít khó khăn như về vốn, pháp lý, quỹ đất…, điều này khiến cho nguồn cung phân khúc này trở nên khan hiếm. Điển hình như hơn 1000 hồ sơ đăng ký mua dự án nhà ở xã hội Trung Văn (quận Nam Từ Liên – Hà Nội) hồi tháng 5 vừa qua và chỉ có 149 người được bốc thăm trúng.
Trong số 149 người trúng bốc thăm suất mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn tại quận Nam Từ Liêm, sau khi rà soát, đối chiếu, Sở Xây dựng Hà Nội và chủ đầu tư đã phát hiện 7 trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các vị trí khác, thậm chí 1 cá nhân còn có 300m2 đất. Các trường hợp này đã bị hủy quyền mua căn hộ.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện tại, họ đang xin ý kiến Sở Xây dựng Hà Nội về việc xử lý vấn đề này.
Chung tay tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội
Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là lần đầu tiên Chính phủ đưa ra một chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bài bản, với mục tiêu rõ ràng và giải quyết hàng loạt nút thắt lâu nay.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải xác định rõ diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; coi phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm của địa phương. Sau gần 4 tháng đề án được đưa ra, một số địa phương đã có kết quả bước đầu, với số lượng dự án tăng thêm, giúp người thu nhập thấp có thể "an cư lạc nghiệp".
Ngoài các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường, để cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng cho biết đã có 23 dự án nhà ở xã hội có nhu cầu vay vốn. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, một số dự án đã bắt đầu được giải ngân.
Đến nay, Ngân hàng BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng. Còn đại diện Ngân hàng Agribank cho biết, đã cam kết cho vay với 1 dự án và đang tiếp cận gần 10 dự án khác.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank, chia sẻ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mới đây: "Đến nay chúng tôi đã ký hợp đồng tín dụng với 1 dự án ở Quảng Ninh, với giá trị hợp đồng là 950 tỷ đồng, đầu tháng 8 này tiếp tục giải ngân và chúng tôi cũng đang tiếp cận với 1 số dự án khác".
Để tăng số lượng dự án được tiếp cận với với gói tín dụng, các địa phương cũng đưa ra kiến nghị cần loại bỏ bớt các điều kiện khắt khe.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản ngày 3/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đã cung cấp một số thông tin liên quan đến tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo Phó thống đốc, đến nay có 9 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia Chương trình tới NHNN với 23 dự án và 1 UBND tỉnh công bố trên Cổng thông tin điện tử (Phú Thọ) với 3 dự án; tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12.800 tỷ đồng.
Ngày 16/6/2023, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng và đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III. Đồng thời hiện nay, các NHTM đang chủ động tiếp cận với khoảng 16 dự án thuộc danh mục được công bố.
Cũng tại Hội nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu một số kiến nghị về nhà ở xã hội. Ông Thiên cho rằng, nếu đẩy mạnh được loại hình nhà ở này, vừa tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và vừa đạt mục tiêu an sinh, tuy nhiên, chuyên gia nêu hai vấn đề còn đặt ra.
Thứ nhất, nhu cầu của các địa phương về nhà ở xã hội, về nhà ở công nhân là khác nhau; điều kiện, năng lực, áp lực thực thi chính sách ở các địa phương là khác nhau nên chúng ta cần có chính sách để bảo đảm cho các địa phương có quyền chủ động chính sách nhiều hơn, chứ không nên có chính sách giống nhau khiến các địa phương không có quyền chủ động.
"Thứ hai, thời điểm hiện nay, liệu chúng ta làm nhà ở xã hội theo nghĩa thương mại thì có cần một gói kích cầu như trước đây không? Ai sẽ mua khi thu nhập của người lao động hiện nay đang suy giảm?", ông Thiên nêu câu hỏi.
Ngoài kiến nghị về gói hỗ trợ để kích cầu NOXH, một số ý kiến cũng cho rằng cần thay đổi chính sách cũng như, rút gọn quy trình thủ tục thực hiện các dự án NOXH để nhanh chóng có tác động làm ấm thị trường.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản ngày 3/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu, thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh một số cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, sau khi có nội dung này, khả năng thu hút một số nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở xã hội có phần giảm sút, hạn chế, bởi vì trước đây Nghị định số 100/2015 và Nghị định số 49/2021 có cơ chế khi chủ đầu tư tham gia đầu tư 100% nhà ở xã hội được để dành 20% quỹ đất để làm nhà ở thương mại nhằm bổ trợ cơ chế giá thành cho nhà ở xã hội, hạ giá thành.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị, riêng nhà ở xã hội cần phải có quy định, quy trình riêng, rút gọn các trình tự về lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu. Bởi riêng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất.
"Chúng ta phải linh hoạt thiết lập quy trình ngắn gọn, hiện nay, quy trình đấu thầu rất tốn thời gian", ông Hải cho hay.