TP HCM muốn thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai
Sẽ đánh thuế nhà, đất thứ hai
UBND TP HCM vừa có tờ trình Chính phủ việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố. Nghị quyết này thay thế cho Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54).
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP HCM đã đạt được một số kết quả nhưng cơ bản vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để Thành phố có thể huy động nguồn lực trong khi dư địa còn rất lớn.
Trên cơ sở ý kiến của nhiều tổ chức, bộ ngành, chuyên gia và các cơ quan liên quan, UBND TP HCM đề xuất các nội dung kiến nghị đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
Một nội dung quan trọng nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, tăng tính tự chủ cho TP HCM trong việc phân bổ nguồn thu ngân sách địa phương cũng được kiến nghị là vấn đề tài chính ngân sách. Cụ thể, TP HCM kiến nghị được quyền quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân.
Theo UBND TP HCM, mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản, làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau. Đồng thời, tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Năm 2022, theo quyết định của Quốc hội, TP HCM được hưởng ngân sách theo tỷ lệ điều tiết là 21%. Thành phố đề nghị giữ nguyên tỷ lệ này đến hết năm 2025, đồng thời không tính vào mức điều tiết các khoản thu từ thuế và phí áp dụng thí điểm như thuế bất động sản thứ hai hoặc các loại phí, mức phí mới.
Theo UBND TP HCM, quy định nói trên phù hợp với thông lệ quốc tế khi “thuế bất động sản chỉ dùng để đầu tư nâng cao phúc lợi người dân tại chính địa phương nơi phát sinh nguồn thu thuế”.
Cần làm rõ bất động sản thứ hai quy mô thế nào sẽ bị đánh thuế
Việc TP HCM muốn đánh thuế từ bất động sản thứ hai trở lên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và các doanh nghiệp ngành bất động sản. Chia sẻ trên Dantri.com.vn, bà Đoàn Thị Thoa, sống và làm việc tại TP HCM khoảng 40 năm nay, đang có kế hoạch mua thêm bất động sản thứ hai cho con. Vì vậy, khi nghe tin TP HCM có chủ trương đánh thuế từ bất động sản thứ hai trở đi, bà rất quan tâm.
Theo bà Thoa, chủ trương này nếu được thông qua sẽ có tác động không nhỏ tới người dân thành phố. Xu hướng giới trẻ hiện nay muốn sống riêng sau khi lập gia đình thay vì sống cùng cha mẹ. Vì vậy, nếu chủ trương được thông qua sẽ tác động đến hàng triệu người dân thành phố.
Bà Thoa đề xuất cần làm rõ bất động sản thứ hai quy mô thế nào sẽ bị đánh thuế. Ví dụ, bất động sản thứ hai chỉ là một phòng trọ 20-30m2 hoặc một căn hộ 54m2 đang cho thuê cũng bị đánh thuế thì không hợp lý. Vì mức sống tại TPHCM rất cao, người dân phải làm thêm việc khác để có thêm thu nhập, trong đó, có nhiều người chỉ sống dựa vào việc cho thuê một bất động sản nên việc đánh thuế từ bất động sản thứ hai trở đi cần được cân nhắc kỹ.
Bà cho rằng nên đánh thuế từ bất động sản thứ 3, thứ 4 trở lên. Theo bà, bất động sản thứ hai tại TPHCM chưa gọi là đầu cơ mà từ thứ 3, thứ 4 trở lên mới gọi là đầu cơ. Vì mỗi gia đình sẽ có 1-2 người con đi học nên họ có nhu cầu để ở thực từ bất động sản thứ hai là hiển nhiên. Thuế có thể đến từ nhiều nguồn và dựa trên những hoạt động sản xuất kinh doanh có thu, chứ thuế không nên xuất phát từ những nhu cầu hết sức cơ bản của con người.
Bà Thoa cũng đặt câu hỏi Nhà nước sẽ quản lý việc sở hữu bất động sản của người dân như thế nào vì có nhiều người không đứng tên bất động sản của họ mà cho họ hàng, con cái đứng tên chẳng hạn.
Trái với ý kiến bà Thoa, ông Lại Thế Vĩnh cũng sống tại TP HCM hơn 20 năm và có vài bất động sản lại ủng hộ chủ trương này vì thấy rằng thời gian gần đây việc đầu cơ bất động sản tràn lan, ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý vĩ mô của nền kinh tế, làm biến dạng các hoạt động bất động sản lành mạnh.
Theo ông Vĩnh, thành phố nên thực hiện việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở đi nhằm hạn chế việc đất đai ở vùng ven, đất ở những nơi đáng lý phải dành để phát triển nông nghiệp thì ngày càng bị thu hẹp. Điều này tạo ra bức tranh thiếu quy củ trong quy hoạch tổng thể các bất động sản với những mục đích khác nhau. Việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên cũng theo xu hướng chung của thế giới.
Ông Vĩnh băn khoăn làm sao để thống kê được chính xác số lượng bất động sản của từng cá nhân, từng hộ gia đình để đánh mức thuế phù hợp; tránh tình trạng với một bộ phận dân cư này lại bị đánh thuế quá cao, với bộ phận dân cư khác lại bị đánh thuế quá thấp, tạo sự thiếu công bằng trong xã hội.
Theo ông, chủ trương trên không làm ngay được mà phải có kế hoạch dài hơi, phải có nghiên cứu tổng thể. Việc đánh thuế từ bất động sản thứ hai trở đi chỉ ảnh hưởng đến các "ông lớn" có nhiều đất, còn những người dân chỉ có một vài bất động sản như ông có lẽ cũng không ảnh hưởng nhiều.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, sắc thuế đánh vào bất động sản thứ hai sẽ có 3 tác động tích cực. Thứ nhất sẽ hạn chế nguy cơ đầu cơ trên thị trường bất động sản, ngăn chặn nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản. "Nhiều người không tích trữ nhà nữa, còn dân đầu cơ thấy thuế phải nộp cao sẽ hạn chế đầu cơ. Đầu cơ giảm, giá bất động sản sẽ không bị đẩy lên cao, thị trường bớt đi một nguyên nhân gây ra bong bóng nhà đất", ông Châu nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ định hướng những nhà đầu tư thứ cấp mua sỉ bán lẻ vào khuôn khổ đầu tư, phải thành lập doanh nghiệp. Từ đó, Nhà nước dễ quản lý hoạt động mua bán này hơn. Điều này sẽ giúp thị trường ngày càng minh bạch hơn. Đây là một mục đích sâu xa mà sắc thuế này đem lại.
Bên cạnh đó, một lợi ích của việc đánh thuế bất động sản thứ hai là sẽ tạo điều kiện cho người có nhu cầu thật có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm trên thị trường, tăng cơ hội mua nhà ổn định cuộc sống.