Ban hành hướng dẫn về định giá đất trước ngày 15/8
Đó là nội dung tại Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. Nghị quyết nêu rõ, trong tháng 8/2023 và các tháng tiếp theo đến cuối năm 2023, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, khai thác khoáng sản…, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi); hướng dẫn triển khai tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trình tự, thủ tục liên quan đến đất đai, khai thác mỏ vật liệu xây dựng phục vụ triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội và các dự án giao thông trọng điểm. Ban hành hướng dẫn về định giá đất trước ngày 15/8/2023.
Giữ lại phương pháp thặng dư trong định giá đất
Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, yêu cầu giữ phương pháp thặng dư trong định giá đất khi hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai các quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng, phương pháp định giá đất đang áp dụng phổ biến như: so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số.
Việc bổ sung này cần dựa trên đánh giá khách quan nguyên nhân tồn tại từng phương pháp, điều kiện áp dụng để không xảy ra khoảng trống, dẫn tới ách tắc, ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành hoàn thiện quy định để theo dõi, thống kê, thu thập số liệu, biến động của thị trường đất đai, đảm bảo dữ liệu đầu vào chính xác cho từng phương pháp. Khi có đủ cơ sở dữ liệu giá đất thị trường sẽ nghiên cứu quy định lộ trình áp dụng phương pháp định giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, việc giữ lại phương pháp thặng dư trong định giá đất là một quyết định đúng đắn và cần thiết. Bởi đây là một phương pháp định giá đất khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam, được hơn 100 nước trên thế giới thuộc Hiệp hội Thẩm định giá quốc tế sử dụng rộng rãi để định giá đất hàng trăm năm nay.
Theo ông Thỏa, Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp hội Thẩm định giá quốc tế và chính thức sử dụng phương pháp này để định giá đất từ năm 2007 đến nay đã được thực tiễn chứng minh là cần thiết đối với một đất nước đang phải sử dụng một quỹ đất rất lớn để thực hiện nhiều dự án mới cho sản xuất kinh doanh, cho những công trình mới, cho xây dựng các đô thị mới….
Nhu cầu định giá đất rất lớn khi các phương pháp khác không đủ điều kiện áp dụng cho loại đất có tiềm năng phát triển trong tương lai gồm các loại đất vẫn trong tình trạng đất thô chưa được nhà nước cấp phép, giao đất, cho thuê đất… cho bất kỳ hình thức phát triển nào, nhưng có khả năng được cấp phép theo đơn xin phép của tổ chức, cá nhân muốn đầu tư; các loại đất đã được cấp phép phát triển bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Nhà nước thay đổi quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…) và loại đất tái phát triển tức loại đất đã phát triển nhưng vẫn có thể cho phép thay đổi để sử dụng mang lại hiệu quả cao hơn vì sự phát triển hiện tại không còn phù hợp bởi những yếu tố thay đổi thiết kế, sở hữu, chức năng, kỹ thuật…