'Bất động sản tăng giá bất thường chủ yếu là tài sản hình thành trong tương lai'
Ngày 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Nêu ý kiến, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần tập trung vào những vấn đề đang nổi cộm trong thời gian qua như giao dịch bất động sản, bởi gần như không ai không nắm được thị trường hoạt động như thế nào. Vì thế, có những loại bất động sản tăng giá một cách bất thường, những thông tin đồn thổi làm tăng giá bất thường, không quản lý được.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần quan tâm đến bất động sản hình thành trong tương lai. Bởi trên thực tế, bất động sản hình thành trong tương lai đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho thị trường bởi thường được mua đi, bán lại. Bất động sản tăng giá bất thường chủ yếu do tài sản hình thành trong tương lai; còn khi đất nhà có rồi, hình thành lên nhà rồi thì gần như giá khá ổn định, không tăng lên hoặc thậm chí giảm xuống bất thường.
Do đó, không nên quy định bất động sản hình thành trong tương lai. Nhà đầu tư muốn huy động vốn có thể phát hành được trái phiếu công trình có chuyển đổi. Trái phiếu này sau đó có thể được chuyển đổi thành nhà ở. Từ đó, người muốn mua nhà đều có cơ hội đầu tư và kiểm soát dự án.
Quan tâm đến nội dung liên quan đến các công trình hình thành trong tương lai quy định ở Chương III của dự thảo Luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, dự thảo Luật cần phải định nghĩa nội dung này cụ thể và rõ ràng hơn.
Theo đại biểu, dự án nhà đang trong quá trình đầu tư xây dựng và thậm chí chỉ mới thấy được bản vẽ bước đầu. Vậy việc mua bán, chuyển giao tiền liên quan đến các công trình này trong thực tế đã xảy ra những tình huống tranh chấp như giao nhà trễ theo hợp đồng, giao nhà không đúng chất lượng cam kết, nhà không đảm bảo hạ tầng văn hóa, xã hội đúng như bản vẽ thiết kế quy hoạch,…
Đại biểu cho rằng, trong các trường hợp này luôn rơi vào tình huống là đơn vị chủ đầu tư sai. Có những trường hợp đã gây nên sự bức xúc cho người dân. Do vậy, dự thảo Luật này cần phải quy định một cách chi tiết và cụ thể trách nhiệm của nhà đầu tư, chủ đầu tư, kể cả cơ quan quản lý nhà nước cấp phép xây dựng đối với các công trình này. Đại biểu nhấn mạnh, cần phải quan tâm nhiều đến việc bảo vệ người yếu thế, tức là phía người mua nhà.
Liên quan đến quy định về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh tại Điều 25, tại khoản 2 có nêu “cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh bất động sản cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra về điều kiện của nhà ở đưa vào kinh doanh”.
Đại biểu Dương Bình Phú (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng, quy định như vậy có thể hiểu, trường hợp không đủ điều kiện mới phải ra văn bản, trường hợp đủ điều kiện thì không, quy định như vậy chưa đầy đủ, phù hợp, đề nghị cần phải được cụ thể và làm sâu sắc hơn.
Đại biểu đề nghị sửa lại khoản 2 như sau: “Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý thị trường bất động sản về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh bất động sản cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra về điều kiện của nhà ở đưa vào kinh doanh và có văn bản trả lời cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua; trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do”.