Chính phủ yêu cầu tiếp tục gỡ vướng để phục hồi bất động sản, trái phiếu

Đông Bắc 08:05 | 07/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục xử lý hiệu quả các tồn tại để phục hồi, phát triển ổn định các thị trường, nhất là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, lao động..., bảo đảm công khai, minh bạch.

  

Chiều 6/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. Thông tin về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Tại Phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về: tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thời gian tới.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, về giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023.

Tình hình kinh tế xã hội tháng 11/2023 và 11 tháng năm nay tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Trong đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng 10/2023; bình quân 11 tháng tăng 3,22% (thấp hơn nhiều mục tiêu khoảng 4,5% theo Nghị quyết của Quốc hội).

Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng  lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 11 tháng năm nay đạt gần 95% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn trên 172.000 tỷ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất (trong đó miễn, giảm khoảng 65.000 tỷ đồng), ước cả năm vượt mục tiêu đã đề ra (trong đó chủ yếu thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh).

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, thông tin tới báo chí về tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tại họp báo, ông Trần Văn Sơn cho biết: Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 11/2023, xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ; xuất siêu 1,28 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm nay, xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 10,3 tỷ USD).

Tình hình an ninh năng lượng, an ninh lương thực hiện vẫn được bảo đảm. Xuất khẩu 11 tháng năm nay gần 7,4 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 4,16 tỷ USD, tăng 16,1% về lượng và 35,1% về giá trị so với cùng kỳ. Cân đối cung cầu lao động cơ bản được bảo đảm.

Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2023 tăng 3% so với tháng 10, tăng 5,5% so với cùng kỳ; tính chung 11 tháng tăng 1%. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,3%.

Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực (Chỉ số IIP tháng 11/2023 so với tháng trước của Bà Rịa- Vũng Tàu tăng 9,9%; Bình Dương tăng 6,3%; Vĩnh Phúc tăng 5,6%; Vĩnh Long tăng 4,2%; Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh cùng tăng 3,8%...).

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định và tăng trưởng, tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế; xuất khẩu nông sản 11 tháng năm nay đạt 47,84 tỷ USD; trong đó rau quả đạt trên 5 tỷ USD, tăng gần 72%. Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 1,4% so với tháng 10/2023; tính chung 11 tháng năm nay tăng 9,6%.

Khách quốc tế tháng 11/2023 đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng 10,9% so với tháng trước; tính chung 11 tháng năm nay đạt hơn 11,2 triệu lượt, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và thực hiện đều cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng năm nay đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9%. Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so cùng kỳ (58,33%), số tuyệt đối cao hơn gần 123 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, tình hình phát triển doanh nghiệp tích cực hơn. Trong tháng 11/2023 có khoảng 14.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,5% so cùng kỳ, số vốn đăng ký tăng 47%.

Tính chung 11 tháng có trên 201,5 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 3,5% (10 tháng tăng 2,9%). Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, hiện Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Sức ép lạm phát trên thế giới còn cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu; thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc; tiếp cận vốn tín dụng, hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Không chỉ vậy, một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn vướng mắc, chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Sản xuất kinh doanh, đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn; thiên tai, bão lũ, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển… diễn biến khó lường.

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các cấp ban ngành tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN); phấn đấu tăng thu, kiểm soát chi, giảm chi thường xuyên, tiết kiệm triệt để chi NSNN.

Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng. Đó là: Đầu tư cần tập trung, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô lớn, công nghệ cao. Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng.

Về tiêu dùng, cần khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thực hiện kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu...

“Đặc biệt cần lưu ý thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Thứ nhất, tăng cường liên kết giữa các vùng, liên kết cả nước, liên kết trong nước và quốc tế; thứ hai, tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các ngành, lĩnh vực mới nổi như: Sản xuất chip, hydrogen, chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn; thứ ba, củng cố thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường mới, như: Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ”, ông Trần Văn Sơn nêu.

Giải pháp tiếp theo là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.