Có nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nếu giá dầu vượt ngưỡng 150 USD/thùng?
Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 7 đợt tăng liên tiếp với tổng gần 6.000 đồng/lít, trong khi chỉ có một kỳ giảm duy nhất và giảm ở mức hơn 600 đồng/lít.
Trước cơn bão giá xăng, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đặt câu hỏi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, sao lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu (loại thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ). Theo đó, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu xăng dầu phải nộp loại thuế này.
"Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nhằm để sử dụng tiết kiệm. Xăng dầu, bia rượu, thuốc lá đều là những mặt hàng xác định áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng một lần nữa khẳng định xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm. Do vậy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, theo tạp chí Thuế Nhà nước.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng đang áp loại thuế này với mặt hàng xăng. Điển hình như các nước châu Âu gồm: Pháp, Đức thu thuế tiêu thụ đặc biệt 0,6 EUR/lít; Hà Lan 0,8 EUR/lít; Italy 0,7 EUR/lít; Vương quốc Anh 0,5 Bảng/lít.
Các nước trong khu vực châu Á cũng thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng như sau Hàn Quốc thu 311 Won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%; Trung Quốc thu 1,5 Nhân dân tệ/lít; Australia thu 0,4 AUD/lít...
Bình luận về quan điểm này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết ở Việt Nam, người dân coi xăng là mặt hàng thiết yếu bởi giao thông công cộng quá yếu, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân cao.
Thực tế, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng bởi mặt hàng này chủ yếu sử dụng cho phương tiện cá nhân, không được khuyến khích sử dụng.
Còn dầu không bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt bởi có tính lợi ích kinh tế, chủ yếu được sử dụng trong vận tải hàng hóa, xe buýt, nhà máy, tàu thuyền... Do vậy, trong nhiều giai đoạn chỉ có giá xăng tăng, giá dầu không tăng.
Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent liên tục phập phồng theo căng thẳng chính trị Nga – Ukraine. Đỉnh điểm vào ngày 7/3, có lúc giá dầu đã tăng lên 139 USD/thùng, chạm mức cao nhất 14 năm.
Cho đến trưa 30/3, giá dầu tụt xuống 28 USD/thùng so với mức đỉnh, dao động 111 USD/thùng do lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "zero COVID".
Dù vậy, VNDirect cho rằng giá dầu đang rơi vào trạng thái “không thể đoán định”. Trước đó, nhiều chuyên gia nước ngoài đưa ra dự báo giá dầu sẽ chạm mốc 150 USD/thùng, thậm chí 200 USD/thùng nếu Phương Tây cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết nếu giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, gây áp lực lên giá bán lẻ xăng dầu trong nước thì việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là một phương án khả thi.
Bởi, sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường và nhiều loại thuế khác.
Do vậy, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ phần trăm giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.
Trường hợp nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.
Trao đổi với người viết, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng các Bộ ngành cần chuẩn bị các kịch bản cho giá xăng dầu để trường hợp có biến động, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước sẽ linh hoạt, kịp thời.
“Cả 4 loại thuế với xăng dầu, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, nhập khẩu (thuế tối huệ quốc – MFN), giá trị gia tăng… Các sắc thuế này đều có thể cân nhắc, tính toán sao cho phù hợp với cân đối ngân sách nhà nước và ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Bảo nói.
Chủ tịch VINPA cũng chỉ ra thuế MFN của Việt Nam đang cao hơn so với mức đăng ký với các nước ASEAN, Hàn Quốc. Do vậy, ông Bảo cho rằng giảm thuế MFN cũng sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng khả năng đáp ứng nguồn cung trong nước, đặc biệt khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn chưa phục hồi công suất.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ trường Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết ở kịch bản khi giá dầu biến động mạnh lên 130 - 150 USD/thùng thì Bộ Công Thương sẽ đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như thuế bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng…
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cam kết khi giá trên thế giới tăng, Bộ và cơ quan liên quan sẽ cố gắng điều hành biên độ tăng trong nước ở mức "có thể chấp nhận được".
Công cụ để kìm đà tăng giá xăng dầu là quỹ bình ổn, nhưng khi quỹ không còn thì dùng đến công cụ thuế phí. "Khi thuế phí đã giảm hết cỡ thì áp dụng chính sách an sinh, chính sách hỗ trợ trực tiếp các đối tượng sử dụng nhiều mặt hàng này", Bộ trưởng nhấn mạnh.