Hà Nội có thêm 2 khu tập thể cũ được xây mới vào cuối 2023
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 254 tiếp tục triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 2).
Theo kế hoạch, UBND thành phố bổ sung Khu tập thể Hóa chất và Khu tập thể Rau quả nông sản (số 135 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) vào Danh mục nhà chung cư thuộc trường hợp phá dỡ nhà chung cư để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại Khoản 3, Điều 110 Luật Nhà ở 2014.
Đây là các khu tập thể đã được 100% chủ sở hữu đồng ý thống nhất về chủ trương xây dựng mới tại hội nghị nhà chung cư họp ngày 29/6/2020.
UBND thành phố giao UBND quận Long Biên chủ trì tổ chức khảo sát, xác định số liệu hiện trạng nhà chung cư (số lượng căn hộ, diện tích căn hộ cũ được cấp giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định, diện tích sở hữu chung, diện tích khác, diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước,..), các công trình khác thuộc phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư làm cơ sở để các nhà đầu tư lập đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời. Công tác này được UBND thành phố yêu cầu hoàn thành trong quý IV/2022.
UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng UBND quận Long Biên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác định phạm vi ranh giới dự án làm căn cứ lập quy hoạch chi tiết, thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 69/2021 của Chính phủ và pháp luật có liên quan, hoàn thành trong quý IV/2022.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp UBND quận Long Biên rà soát, đề xuất việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tại Khu tập thể Hóa chất và Khu tập thể Rau quả nông sản làm cơ sở để nhà đầu tư xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng thuộc 2 khu tập thể nêu trên, hoàn thành trong quý IV/2022.
UBND quận Long Biên chủ trì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án và tổ chức hội nghị nhà chung cư để lấy ý kiến các chủ sở hữu đối với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời; gửi Sở Xây dựng để chủ trì tổ chức kiểm tra, lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan, báo cáo UBND thành phố chấp thuận nguyên tắc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời trước khi UBND quận Long Biên phê duyệt theo ủy quyền của UBND thành phố, hoàn thành trong quý I/2023.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được lựa chọn làm chủ đầu tư theo quy định; báo cáo UBND thành phố phê duyệt, hoàn thành trong quý I/2023.
Chủ đầu tư dự án phối hợp các sở, ngành tổ chức thực hiện lập, phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục liên quan đất đai, xây dựng theo quy định, hoàn thành trong quý II/2023.
Thời gian phá dỡ nhà chung cư sẽ theo tiến độ cụ thể trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, dự kiến từ quý II/2023.
Chi 128 tỷ đồng kiểm định chung cư cũ
Thường trực HĐND TP Hà Nội đã thống nhất tạm cấp ngân sách với số tiền gần 128 tỷ đồng để các quận, huyện kiểm định chung cư cũ năm nay.
Cụ thể, nguồn kinh phí trên được trích từ nguồn điều hành tập trung ngân sách TP năm 2022. Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo thực hiện theo quy định, chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính pháp lý của hồ sơ, tổng hợp báo cáo HĐND TP.
Theo đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách đúng chủ trương của Thường trực HĐND TP; hướng dẫn UBND các quận, huyện sử dụng kinh phí đúng mục đích và quy định. Sở Xây dựng quản lý, theo dõi, đôn đốc việc kiểm định chung cư cũ; tổng hợp báo cáo UBND TP kết quả.
Trước đó, trên cơ sở Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội sau khi hoàn chỉnh, được phê duyệt, UBND TP, Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ sẽ tiếp tục chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, đồng bộ với Nghị định số 69 ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách được bố trí dự kiến là khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP - đánh giá, việc triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ là vấn đề rất lớn, rất khó trong công tác quản lý đô thị và đã kéo dài nhiều năm, được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, nhân dân chờ đợi, ủng hộ. Tuy nhiên, công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Nguyên nhân cơ bản là các cơ chế, chính sách chưa hài hòa được các lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Bên cạnh đó còn thiếu các quy định cụ thể như công tác kiểm định (quy trình thực hiện, tiêu chí đánh giá, giá trị pháp lý của kết quả kiểm định và trách nhiệm thực hiện có liên quan...); quy trình, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư...
Vì vậy, đối với nhiệm vụ sắp tới, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chuyên môn của UBND TP cùng các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung vào công tác kiểm định, đánh giá chất lượng và công tác nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP làm cơ sở để triển khai quy trình tiếp theo.
Trong đó Sở Xây dựng Hà Nội được giao khẩn trương hoàn thiện, trình UBND TP xem xét, ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.