Hơn 850.000 tỷ đồng tín dụng chảy vào bất động sản

Đông Bắc 08:36 | 26/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 28/2 dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt gần 859.400 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cuối năm ngoái.

  

Dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 28/02/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 859.394 tỷ đồng, tăng 7,4% so với thời điểm 31/12/2022 và tăng 9,6% so với thời điểm 31/3/2022.

Trong đó, dự nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác chiếm 233.940 tỷ đồng, tương đương hơn 27,2% tổng dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản; dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở chiếm 27,1%, tương đương 233.252 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê chiếm 127.075 tỷ đồng, tương đương gần 14,8%.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất là 73.655 tỷ đồng, tương đương gần 8,6%; các dự án nhà hàng, khách sạn là 63.288 tỷ đồng, tương đương 7,36%; các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm 52.343 tỷ đồng, tương đương 6,1%; các dự án văn phòng cho thuê chiếm 38.139 tỷ đồng, tương đương hơn 4,4%; các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dương là 37.703 tỷ đồng, tương đương gần 4,4%. Ngoài ra số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 19.140 tỷ đồng.

 Hơn 850.000 tỷ đồng tín dụng chảy vào bất động sản. Ảnh BĐS.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo về việc hạ lãi suất cho vay, đồng thời có hướng dẫn triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ tại văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...đồng thời, triển khai nghiên cứu chính sách giãn hoãn nợ để tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng thương mại thực hiện.

Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu, tính đến ngày công bố thông tin 31/01/2023 các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022. Theo đó, 2 tháng cuối quý có 11 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước với giá trị 2.630 tỷ đồng và 4 đợt trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng với giá trị gần 2.991 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến ngày công bố thông tin 28/02/2023, có 01 đợt phát hành riêng lẻ và 02 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng trong tháng 2/2023, trong đó 02 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng, có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9.5%/năm cho kỳ đầu và thả nổi vào những kỳ sau.

Tính đến ngày công bố thông tin 28/03/2023, có 02 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng  phát hành giá trị là 1.490,8 tỷ đồng; Có 10 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 2.130 tỷ đồng. Theo đó, bất động sản và chứng khoán hiện là 2 ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 1.691 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, chiếm 46.7% và 27.6% tổng giá trị phát hành.

Trong nhóm ngành bất động sản có 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm. Như vậy, có thể thấy những tín hiệu tích cực từ việc ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; và chỉ đạo các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn trong huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 228,4 triệu USD, chiếm 5,3%.

Vốn đăng ký cấp mới có 590 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,45 tỷ USD, tăng 58,6% số dự án và tăng 0,03% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 362,5 triệu USD, chiếm 10,5%. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 403,2 triệu USD, chiếm 8% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Bộ Xây dựng đánh giá đã có những tín hiệu tích cực từ việc ban hành Nghị định 08 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, cũng như chỉ đạo các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn trong huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên việc huy động vốn của các doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu vẫn còn khó khăn. Bộ Tài chính hiện đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Chứng khoán, trong đó có nội dung quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.

Hơn 2.000 doanh nghiệp bất động sản dừng hoạt động trong quý I

Theo báo cáo nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2023 mới công bố, Bộ Xây dựng đánh giá các doanh nghiệp bất động sản trong 3 tháng đầu năm hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý I là 940, giảm đến 63,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Các khó khăn lớn mà các doanh nghiệp bất động sản đang đối diện được Bộ Xây dựng chỉ ra là hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm 30% đến 50% lực lượng lao động).

Còn với các sàn giao dịch bất động sản, trong quý I/ 2023, theo khảo sát thì có thêm khoảng 30%-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Đồng thời ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022.