Top những sự kiện 'nóng' nhất của thị trường bất động sản năm 2022

Đông Bắc 10:43 | 26/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2022 là một năm đầy biến động với thị trường bất động sản Việt Nam. Hãy cùng nhìn lại những sự kiện "chấn động" của mảng nhà đất trong năm.

 Bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm

Vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm từng là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận trong những tháng đầu năm 2022. Ngày 10/12/2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM tổ chức bán đấu giá lần lượt 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Công ty TNHH đầu tư Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá lô đất 3-12 với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào, đưa đơn giá mỗi m2 lô đất này lên ngưỡng 2,43 tỷ đồng/m2.

Tiếp đó, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9, diện tích 5.009 m2 với giá 5.026 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8, có diện tích 8.500 m2 với mức 4.000 tỷ đồng; Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5, có diện tích 6.446 m2 với mức 3.820 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 11/1/2022, lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất đã trúng thầu trước đó. Sau Tân Hoàng Minh, 3 doanh nghiệp còn lại đều bỏ cọc sau nhiều lần cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ sau khi trúng đấu giá.

 

 Bỏ cọc trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là sự kiện lớn đối với thị trường bất động sản. Ảnh NLĐ.

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn

Trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất 2 phương án về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Phương án 1 là bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình đưa vào sử dụng.

Khi thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải ghi rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư trong hồ sơ thiết kế.

Thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư.

Riêng đối với các nhà chung cư được cấp giấy phép xây dựng hoặc có văn bản thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (đối với trường hợp miễn Giấy phép xây dựng) trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sở hữu không có thời hạn theo quy định trước đó.

Phương án 2, thời hạn sở hữu nhà chung cư giữ nguyên như quy định hiện hành, tức không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.

Đề xuất này đã ngay lập tức gây ra làn sóng tranh cãi trong dư luận. Có nhiều ý kiến phản đối đề xuất rút ngắn thời hạn sử dụng chung cư xuống còn 50-70 năm vì không phù hợp với tâm lý sở hữu tài sản lâu dài đa số người dân hiện nay

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai sửa đổi

Sáng 1/11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng, đã trình Quốc hội dự Luật Đất đai sửa đổi. Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Hàng loạt vấn đề được Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung để giải quyết các bất cập phát sinh trong thực tiễn và thể chế hóa các chính sách quản lý, sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nêu tại Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Trong đó, ba nội dung được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế đặc biệt quan tâm gồm quy định về thu hồi, trưng dụng đất, xác định giá đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Chính phủ lập Tổ công tác gỡ khó cho thị trường bất động sản

Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, tổ công tác sẽ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh là tổ phó.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bên cạnh đó, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời tổng hợp, tham mưu Thủ tướng báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng.

 Thị trường bất động sản trải qua một năm đầy biến động. Ảnh Nhật Di.

Sẽ đánh thuế bất động sản thứ hai?

Đề xuất thí điểm đánh thuế bất động thứ hai của TP HCM mới đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo Tờ trình gửi Chính phủ của TP HCM, việc đánh thuế giúp hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Ngoài ra, khoản thuế này sẽ giúp thành phố có thêm nguồn thu ngân sách để tái đầu tư phát triển.

Thực tế, đây không phải là lần đầu việc đánh thuế bất động sản thứ hai được đưa ra thảo luận. Câu chuyện đánh thuế căn nhà từ thứ hai trở đi đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Cách đây 5 năm, Chính phủ cũng từng đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai tại TP HCM, nhưng sau đó không được thông qua.

Theo quyết định phê duyệt chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Bộ Tài chính, cơ quan này lên kế hoạch trong năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét và năm 2024 ban hành luật thuế liên quan đến tài sản. Sau khi Quốc hội ban hành luật này, năm 2024, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành thuế liên quan đến tài sản.

Doanh nghiệp địa ốc chạy đua mua trái phiếu trước hạn

Thời điểm cuối năm, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản chạy đua để mua lại các lô trái phiếu đã phát hành dù nhiều đợt phát hành vừa được thực hiện.

Công ty cổ phần Sunshine Homes vừa thông báo mua lại trái phiếu trước hạn với quy mô 500 tỷ đồng. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) đã có nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị hơn 1.150 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land cũng bắt đầu mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu đã phát hành. Dự kiến trong 30 ngày, Hưng Thịnh Land sẽ hoàn thành mua lại các lô trái phiếu có giá trị 400 tỷ đồng này.

Từ cuối tháng 10 đến nay, Công ty bất động sản Phát Đạt cũng đã mua lại trước hạn 338,7 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Hiện số dư nợ trái phiếu của Phát Đạt đã giảm xuống còn 2.500 tỷ đồng.

FiinRating cho biết trong bối cảnh phát hành mới gần như đóng băng, thị trường tiếp tục chứng kiến hoạt động mua lại gia tăng trong tháng 10. Điều này làm cho dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15.800 tỷ đồng trong tháng 10, với giá trị mua lại và đáo hạn lần lượt là 5.810 và 10.230 tỷ đồng.