Cần bơm vốn cho doanh nghiệp để giảm nợ xấu
Thị trường bất động sản năm 2022 đã đi qua một năm nhiều thăng trầm và những khó khăn vẫn còn ở phía trước. Tại diễn đàn "Dự báo thị trường bất động sản 2023” diễn ra sáng 23/12, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm, thị trường bất động sản Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 5% GDP cả nước nhưng vẫn phải “cứu” bởi 5% này có tính lan tỏa, tác động và hiệu ứng rất mạnh. Đặc biệt là hiệu ứng giữa thị trường bất động sản với thị trường tài chính.
“Cho nên, đừng bao giờ đặt vấn đề chỉ là giải cứu thị trường bất động sản, khi đấy sự ủng hộ của xã hội và các giải pháp mà Nhà nước đưa mới mạnh hơn được. Nếu chúng ta chỉ nói là cứu các doanh nghiệp bất động sản thôi thì đây là một tâm lý rất nguy hiểm. Chúng ta đang khó khăn, sẽ còn khó khăn nhưng triển vọng là giải quyết được”, ông Thiên nói.
Chuyên gia đặt vấn đề, trong bối cảnh hiện nay, dù room tín dụng được nới thêm nhưng lãi suất cao (lên tới 16%, thậm chí còn cộng thêm các chi phí khác) thì ai vay? Hiện nay, điều kiện tài chính xấu đi, các dòng vốn cũng chưa rõ ràng.
“Nền kinh tế Việt Nam năm nay nằm trong thế rất nghịch lý, tình hình chung thì tốt nhưng bộ phận trong nước lại gặp khó khăn. Lạm phát giảm thấp nhưng tăng trưởng cao, tiền ở đâu ra mà tăng trưởng cao? Tại sao kinh tế tăng trưởng cao, ổn định vĩ mô tốt mà thị trường chứng khoán lại lao dốc, rồi thị trường tài chính đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ vỡ trận trái phiếu doanh nghiệp? Tại sao nền kinh tế tăng trưởng tốt mà giống như bị “nghẹt thở”, máu không lưu thông được?", vị này nhấn mạnh.
Bối cảnh hiện tại, theo chuyên gia, cần cấp bách “tiếp máu” cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Mục tiêu ổn định vĩ mô nhưng doanh nghiệp phải có tiền để vận hành và một chỉ tiêu để đánh giá vấn đề này đó chính là nguy cơ nợ xấu. Phải giữ cho nợ xấu không phình to ra.
"Cần phải bơm vốn cho doanh nghiệp để giúp giảm nợ xấu. Nhiều dự án bất động sản đang mắc kẹt do doanh nghiệp thiếu tiền triển khai tiếp. Trong khi đó, ngân hàng không thể cho vay vì nợ cũ quá hạn chưa thanh toán được. Bây giờ tiếp tục bơm vốn vào sẽ giải tỏa được nợ xấu, thế là ổn định vĩ mô", PSG.TS Trần Đình Thiên nói.
Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, nới thời gian đáo hạn cũng là một giải pháp hay.
Vị này dự báo, kinh tế Việt Nam sang năm có thể sẽ tốt hơn (tốt so với thế giới) và thị trường bất động sản bắt đầu có xu hướng tích cực lên và sẽ có những phân khúc sáng lên. Tuy nhiên, có hai thứ cần lưu ý, đó là đầu cơ lướt sóng phải hạn chế và cấu trúc thị trường trái phiếu cần phải bền vững hơn.
Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho biết, mặc dù thị trường bất động sản nội tại vẫn rất ổn định bởi tốc độ phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng lớn mạnh, nhưng lại đang có dấu hiệu chững lại, lực hấp thụ yếu trong khi lực cầu vẫn rất mạnh. Và đây là một nghịch lý cần phải được xem xét.
Theo chuyên gia, thị trường bất động sản suy giảm bất thường đã tạo ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế, trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp bất động sản và sau đó là gần 40 ngành nghề xem thị trường bất động sản là thị trường đầu ra, như ngành sắt thép, cát đá, máy móc, logistics, hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhà ở,...
Nguyên nhân được ông Đính chỉ ra là do thị trường bất động sản đang gặp phải một số điểm nghẽn.
Thứ nhất là vấn đề về pháp lý. Theo Bộ Xây dựng, khoảng 70% doanh nghiệp hiện nay đang bị vướng vào các vấn đề về pháp lý. Hơn 10 Bộ Luật cần được xem xét liên quan đến các vấn đề về đất đai, đầu tư, nhà ở.
Thứ hai là nguồn vốn tín dụng, đặc biệt dành cho người mua nhà, cho thị trường người tiêu dùng.
Thứ ba là các kênh tạo vốn cho doanh nghiệp như phát hành trái phiếu và nhiều kênh dẫn vốn khác đang trục trặc.
Thứ tư là hàng hóa trên thị trường hiện nay đang có tính chất không phù hợp với nhu cầu, chủ yếu là những hàng hóa nằm ở phân khúc cao cấp.
Thứ năm, hệ thống thông tin còn rất yếu để phục vụ cho các hoạt động đầu tư mua sắm trên thị trường, chưa có nhiều kênh thông tin phù hợp.
Thứ sáu là niềm tin của các nhà đầu tư, người tiêu dùng trên thị trường đang bị sụt giảm.
“Nếu chúng ta không tháo gỡ các điểm đã nêu trên sẽ không thể thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và làm khó cho kế hoạch phát triển kinh tế chung của quốc gia”, ông Đính nhấn mạnh.