Hợp lực gỡ 'nút thắt' cho thị trường bất động sản phát triển
Nhận diện khó khăn, vướng mắc, nút thắt cần tháo gỡ cũng như xu hướng, triển vọng phát triển của thị trường bất động sản năm 2023 là chủ đề chính của tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 13/1 với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp để phân tích, đánh giá, luận bàn về nội dung này.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có một loạt công điện chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, cũng như phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; trong đó có Công điện 1164 về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Ông Vương Duy Dũng, Cục Phó Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, cho biết không chỉ có Công điện 1164 mà trước đó, khi thị trường có những dấu hiệu bất ổn, khó khăn, ngay lập tức Thủ tướng đã có chỉ đạo các bộ, ngành; trong đó có Bộ Xây dựng, nghiên cứu, nắm bắt tình hình để giải quyết.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ có những cuộc họp để gặp gỡ, làm việc, lắng nghe các doanh nghiệp cũng như hiệp hội trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Cùng đó, Thủ tướng có Quyết định số 1435 thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án bất động sản tại địa phương và các doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng.
Ngay sau khi được thành lập, Tổ công tác khẩn trương và tích cực triển khai nhiệm vụ được giao. Trong 2 tuần liên tục sau đó, Tổ đã làm việc trực tiếp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và làm việc với khoảng 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Đồng thời, Tổ làm việc và trao đổi trực tiếp với đại diện của các hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính bất động sản. Qua đó, Tổ công tác cũng như các bộ, ngành đã nắm bắt được đầy đủ, cụ thể, rõ ràng thị trường bất động sản trên thực tế và các báo cáo Thủ tướng, ông Vương Duy Dũng cho hay.
Đại diện cho doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Vướng mắc, khó khăn hiện nay đối với chúng tôi là tình trạng thiếu tiền mặt của doanh nghiệp, tình trạng bị giảm thanh khoản, thậm chí có doanh nghiệp bị mất thanh khoản. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà kể cả những doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản.”
Nguyên nhân là giao dịch trên thị trường bất động sản bị sụt giảm, thậm chí không có giao dịch nên không huy động được nguồn vốn của khách hàng. Chẳng những doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, kể cả người mua nhà, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận tín dụng. Có những hoàn cảnh trớ trêu là ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng rồi nhưng dừng giải ngân khiến cả doanh nghiệp và khách hàng đều gặp khó khăn lớn, ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng.
Cùng đó, là hàng loạt khó khăn xuất phát từ vướng mắc về pháp lý. Mà theo ông Lê Hoàng Châu, các vướng mắc này không phải chỉ trong phạm vi những cơ quan quản lý về đầu tư xây dựng, đất đai, bất động sản mà còn có “gốc rễ” từ những cơ quan quản lý về tài chính, tín dụng chứ không chỉ riêng bên ngành xây dựng hay tài nguyên.
Liên quan đến nội dung này, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng vừa qua, việc tăng room tín dụng 14% Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh và phân bổ chỉ tiêu là rất cần thiết. Một bài học minh chứng nhất trong thời gian vừa qua là Ngân hàng Nhà nước rất bản lĩnh khi giữ được room tín dụng 14%, trong bối cảnh nguồn vốn huy động bằng 50% tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Phải bảo đảm ổn định hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Khi đã ổn định rồi, tình hình thanh khoản các tổ chức tín dụng ổn định thì ngân hàng mới xem xét tiếp tục bơm vốn. Việc xử lý room tín dụng thời gian qua là phù hợp, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Thị trường tiền tệ, thị trường vốn rất kỳ vọng điều chỉnh cho hoàn thiện để các doanh nghiệp có thể lại phát hành được trái phiếu bổ sung vốn đầu tư lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, cần cảnh báo các tổ chức tín dụng tránh tình trạng bơm vốn tín dụng để bù đắp cho phần đến hạn của trái phiếu doanh nghiệp. Điều này rất nguy hiểm trong kiểm soát tài sản.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành bày tỏ quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu muốn phát triển thị trường lành mạnh, còn rất nhiều việc phải làm trong trung và dài hạn. Minh bạch là yếu tố không thể thiếu nhằm tạo dựng lại lòng tin khi thị trường bị đổ vỡ, khi thị trường bị đóng băng, thậm chí là khủng hoảng.
Tiếp đến là nhóm liên quan đến pháp lý tài chính và tiền tệ. Hai yếu tố này gắn quyện với nhau bởi nếu không xử lý vấn đề pháp lý, mối quan hệ giữa các định chế tài chính, các ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản không trở về trạng thái gọi là dòng tiền dịch chuyển bình thường được.
Trong giai đoạn khó khăn này, không phải chỉ nhăm nhăm sửa, chỉnh. Vận hành trở lại thị trường rất quan trọng nhưng đồng thời phải nhìn nhận tổng thể để có công cuộc “cải cách,” tái cấu trúc; thậm chí cải tổ thị trường này từ cấp vĩ mô (cấp chính sách), cho đến cấp vi mô (cấp doanh nghiệp) để thị trường bật dậy-chuyên gia này hiến kế./'