TS. Cấn Văn Lực: Năm dòng vốn tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản Việt Nam
Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần III diễn ra sáng 10/3, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, không ai nghĩ rằng tình hình thị trường bất động sản bất ổn như hiện tại, chúng tôi gọi là một năm “họa vô đơn chí” đối với thế giới và Việt Nam. Chúng tôi và chuyên gia IMF tổng kết có ba cơn gió ngược:
Đầu tiên là khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng đang ở mức độ nhẹ nhưng điều này tác động tới Việt Nam khá lớn về đầu tư, xuất khẩu và du lịch.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng vẫn tăng trưởng chậm. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Nhưng những nước như Việt Nam hay Trung Quốc tăng trưởng 5% chưa phải là thành công. Những khó khăn trên thị trường Trung Quốc đã tác động rất lớn đến Việt Nam chúng ta.
Một vấn đề nữa là thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu bất ổn tương đối. Mặc dù tình hình đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với năm ngoái nhưng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn rất lớn. Đây là ba cơn gió ngược tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nếu không có giải pháp cho những cơn gió ngược này, chúng ta sẽ đánh mất khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Tăng trưởng năm nay dự báo dưới 6%. Để đạt được mục tiêu này, vai trò của thị trường bất động sản rất lớn. Trong đó, chúng ta phải giải quyết bài toán nguồn vốn, là nút thắt rất lớn trong năm qua và năm nay vẫn còn những rủi ro nhất định.
Về nguồn vốn dành cho doanh nghiệp bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho biết, năm nay chúng ta có nguồn vốn cho đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng nguồn vốn này vẫn đang tiếp tục thảo luận. Hiện chúng ta có cam kết rót vốn 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ 4 ngân hàng thương mại quốc doanh;
Tiếp đến là nguồn ngân sách nhà nước như vốn mồi, vốn ưu đãi, miễn/giảm thuế; chương trình phục hồi, nhà ở xã hội như trên.
Thêm nữa là nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh và cho thuê tài chính. Trong đó, cho thuê tài chính là mảng tiềm năng vì không cần tài sản thế chấp nhưng lâu nay doanh nghiệp ít quan tâm.
Cần nhắc đến nguồn vốn nước ngoài, thông qua việc vay, phát hành trái phiếu, bán cổ phần… Chúng ta cũng cần nhắc đến nguồn vốn huy động từ thị trường vốn như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, từ các nền tảng công nghệ…
Về nguồn vốn từ Chương trình phục hồi 2022 - 2023 có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, thì chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu là giãn, hoãn thuế và đầu tư công.
Ngoài ra, chúng ta vẫn loay hoay bàn gói 30.000 tỷ trước đây nhưng tại sao không khai thác gói 18.000 tỷ đồng trong chính sách hỗ trợ an sinh xã hội. Trong đó, cho cá nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… khoảng 15.000 tỷ đồng.
Về cơ cấu thị trường tài chính theo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế năm 2021 - 2022. Năm ngoái, chúng ta chứng kiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi xuống nghiêm trọng, từ 21,5% năm 2021 giảm còn 12,8%, rõ ràng đã giảm đáng kể so với vai trò của thị trường này.
Tuy nhiên, năm ngoái vốn tín dụng lên gần 74% chứng tỏ các kênh vốn khác dành cho thị trường này không phát triển. Theo tôi, vốn từ ngân hàng nên từ 40 - 50% để cân bằng với các kênh vốn khác, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.
Cuối cùng, TS. Cấn Văn Lực nói về giải pháp với doanh nghiệp bất động sản: "Theo tôi, các doanh nghiệp bất động sản cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (nhất là 2023 - 2024). Đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính…). Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết…", Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho hay.
Đề xuất mở rộng đối tượng được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Cũng tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần III diễn ra sáng 10/3, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, Nhà nước cần có những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố. Bởi đây là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường. Nhưng cũng cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.
"Chúng tôi đề xuất, ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn kể cả là dự án nhà ở cao cấp, trung cấp. Nếu được giải tỏa, chúng ta sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường, sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định", vị này cho hay.
Ngoài ra, ông Đính cho rằng, đối với gói tín dụng trên cần phải có quy định, thông tư hướng dẫn cụ thể. Đây là việc trọng tâm cần thực thi, với cơ quan chủ chốt là Bộ Tài chính.
Cũng theo Phó Chủ tịch VNREA, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định để tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội. Hiện nay Chính phủ đang vận động nhiều doanh nghiệp đăng ký, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản vướng mắc trong các quy định, đặc biệt là các quy định pháp luật. Để thúc đẩy được loại hình này, rất cần những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ, nhất là về thủ tục hành chính pháp lý.